Sửa Luật Bảo hiểm xã hội để bảo đảm an sinh xã hội, an toàn quỹ

Các đại biểu Quốc hội đồng ý sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng siết chặt việc thu tiền cũng như xử lý việc nợ đọng đóng bảo hiểm xã hội.
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội để bảo đảm an sinh xã hội, an toàn quỹ ảnh 1 Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Bùi Sỹ Lợi phát biểu ý kiến thảo luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).


Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho thấy, việc đưa nhóm lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là cần thiết nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi không còn khả năng lao động.

Nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm này và cho rằng nhóm lao động này chủ yếu làm việc trong khu vực có quan hệ lao động nhưng trên thực tế thường bị người sử dụng lao động vận dụng hình thức ký hợp đồng lao động dưới ba tháng để không phải thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm xã hội do Luật hiện hành chưa quy định người lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ là đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, gây thiệt thòi cho người lao động.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhìn nhận, lực lượng lao động này rất đông, nếu không đưa vào Luật, vô hình chung đã đặt họ ngoài chính sách. Tuy nhiên, còn không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định này do công tác quản lý đối tượng phức tạp, việc ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý lao động còn hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) cho rằng, để đảm bảo tính khả thi, chính sách được triển khai thuận lợi, cần tiên lượng những khó khăn phát sinh và có giải pháp phù hợp để đưa chính sách đi vào cuộc sống được tốt hơn.

Việc quản lý các đối tượng này vô cùng phức tạp, sẽ phát sinh nhiều đơn vị sử dụng lao động nhỏ, người lao động thay đổi công việc và nơi làm việc liên tục, trong khi đó trang thiết bị, công nghệ và trình độ quản lý của bảo hiểm xã hội còn nhiều hạn chế. Điều này sẽ phát sinh nhiều khó khăn trong công tác quản lý và khi không quản lý được sẽ dễ dẫn đến tiêu cực, lạm dụng, giả mạo.

Đối với việc bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội, trong khi ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêng về phương án quy định nhóm này tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì nhiều đại biểu lại cho rằng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cần được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Lý giải điều này, các đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An), Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), Lê Trọng Sang (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng việc người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện đang hưởng phụ cấp theo công việc, nhiều người có quá trình làm việc tương đối lâu dài và đảm nhận những chức danh quan trọng ở bộ máy chính quyền xã. Họ cũng phải làm việc toàn thời gian như cán bộ công chức.

Các cơ quan trong hệ thống chính trị ở xã cũng là người sử dụng lao động, trực tiếp phân công giao nhiệm vụ đối với cán bộ và người hoạt động không chuyên trách cũng là người lao động, khi nhận nhiệm vụ được giao cũng phải có trách nhiệm hoàn thành.

Thực chất quan hệ này đã phát sinh quan hệ lao động. Cùng một xã nhưng có sự phân biệt về chế độ hưởng lương và phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện sẽ tác động đến tâm tư, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, khó thu hút và giữ được cán bộ làm việc.

Cùng quan điểm trên, các đại biểu Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định), Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đều cho rằng, hiện nay cấp xã là nơi trực tiếp thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước. Hầu hết cán bộ cấp xã làm việc ổn định, lâu dài với thời gian làm việc cả ngày, thậm chí cả ngày nghỉ, trong khi đó chỉ được hưởng phụ cấp ở mức 1,86 và không được tăng lương. Chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành không khuyến khích và thu hút những cán bộ trẻ, người có trình độ về công tác ở các địa phương.

Theo thống kê, hiện nay, toàn quốc có gần 229.600 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hoạt động theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP. Nếu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với 2 chế độ hưu trí và tử tuất, tổng mức đóng là 22% của mức tiền lương cơ sở (1.150.000 đồng) thì nhà nước (người sử dụng lao động) sẽ hỗ trợ 443 tỷ đồng/1 năm, tương ứng với tỷ lệ đóng 14%; người lao động tự đóng 253 tỷ đồng/1 năm, tương ứng với tỷ lệ đóng 8%.

Đại biểu Lê Trọng Sang đề nghị Quốc hội giao Chính phủ tổng kết, đánh giá bộ máy hoạt động không chuyên trách tại địa phương làm cơ sở để xác định chức danh và số lượng.

Đảm bảo cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội

Đồng tình cao với việc điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng (Điều 56) để khắc phục tình trạng mất cân đối trong đóng-hưởng bảo hiểm xã hội, song cũng còn có những ý kiến khác nhau về các phương án đưa ra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động thì cần giảm thiểu tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ. Việc thực hiện quy định này phải đồng bộ với lộ trình điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội (theo Điều 90 Bộ luật Lao động) để đảm bảo tiền lương hưu người lao động thực nhận không bị sụt giảm nhiều so với trước.

Bên cạnh đó, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 5 năm nên cần phải bảo đảm bình đẳng giới khi điều chỉnh chính sách này thông qua việc xây dựng lộ trình nâng số năm đóng bảo hiểm xã hội của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu (cụ thể: năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm).

Việc thực hiện phương án điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội của lao động nữ và 20 năm đóng bảo hiểm xã hội của lao động nam, cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75% sẽ tạo điều kiện để người lao động có thời gian thích ứng với các thay đổi chính sách theo nguyên tắc đóng-hưởng.

Ủng hộ cách tính lương hưu theo quy định hiện hành, đại biểu Lê Trọng Sang cho rằng, cách tính theo dự thảo Luật sẽ làm thiệt hại quyền lợi của người lao động. Với mức lương hưu của năm 2018, nam ở mức 45% và nữ ở mức 55% với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sẽ thấp hơn so với người nghỉ hưu vào năm 2017 tương ứng là 10% và 5%. Sau 5 năm điều chỉnh, lao động nam và nữ phải có 35 năm đóng bảo hiểm xã hội mới đạt mức tối đa là 75%.

Cũng như vậy, đại biểu Nguyễn Trung Thu nhìn nhận, mặc dù có ý kiến cho rằng tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% là cao so với các nước trên thế giới và cao hơn so với các nước đóng bảo hiểm hưu trí nhưng mức lương hưu hiện nay chỉ bằng 75% so với mức lương tối thiểu, thực tế không đáp ứng được mức sống tối thiểu của người nghỉ hưu.

Cách tính lương hưu theo dự thảo Luật sẽ phát sinh những điều bất hợp lý mới. Đó là người lao động nghỉ hưu từ 1/1/2018 sẽ bị giảm 10% so với người nghỉ hưu từ 31/12/2017.

Đại biểu đề nghị giữ nguyên cách tính lương hưu như hiện nay, đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng 45% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tỷ lệ thay thế là 2% với nam và 3% với nữ.

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) khoản 4 Điều 56, quy định mức lương hưu không thấp hơn mức lương cơ sở, như vậy đã tạo ra một mức sàn cho người tham gia bảo hiểm xã hội. Hiện nay, trên thực tế mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là khá thấp (chỉ khoảng 60-70% thu nhập thực tế), có những người hưởng lương rất cao trong những năm cuối.

Ví dụ về một trường hợp điển hình, ông Bùi Sĩ Lợi cho biết Tổng Giám đốc bia Huda (Huế) Nguyễn Minh, đang được hưởng lương hưu lên đến 65 triệu đồng/tháng, cao hơn cả mức lương hiện đang công tác của lãnh đạo cấp cao.

Ông cũng cho biết, muốn kéo giảm lộ trình để giảm sự chênh lệch về lương hưu giữa người về hưu trước và sau khi luật mới có hiệu lực nên chăng tính toán lương bình quân cho người về hưu bằng số năm mà người đó sống. Nếu 54 tuổi nghỉ hưu và tuổi thọ là 76, chênh 19 năm thì chia bình quân lương hưu cho 19 năm người đó sống. Chia bình quân lương hưu không phải lấy của cả quá trình đóng góp mà lấy toàn bộ tiền đóng bảo hiểm xã hội chia cho 19 năm người đó sống.

Giao thẩm quyền thanh tra việc đóng bảo hiểm cho cơ quan bảo hiểm

Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc giao chức năng thanh tra cho tổ chức bảo hiểm xã hội với quan điểm đây là cơ quan nhà nước được giao trách nhiệm đối với trụ cột an sinh xã hội chủ yếu, quản lý quỹ tài chính rất lớn liên quan đến an sinh xã hội của hàng chục triệu người lao động, không phải là đơn vị sự nghiệp chuyên môn thuần túy mà là một tổ chức tài chính, được Nhà nước giao chức năng quản lý, sử dụng, đầu tư sinh lời đối với quỹ bảo hiểm xã hội và tổ chức cung cấp dịch vụ công.

Việc bổ sung chức năng thanh tra đóng bảo hiểm xã hội sẽ tạo điều kiện để nâng cao trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm xã hội, khắc phục mạnh mẽ hơn những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động.

Ngược lại, đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) lại cho rằng, việc giao chức năng thanh tra đóng bảo hiểm xã hội cho tổ chức bảo hiểm xã hội là chưa phù hợp, không thể “lưỡng tính,” vừa là cơ quan nhà nước, vừa là tổ chức tài chính. Điều này vừa mâu thuẫn với một số quy định hiện hành, vừa gây chồng chéo.

Đối với vấn đề chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, đại biểu tán thành phương án quy định chi phí quản lý bảo hiểm xã hội hàng năm được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ; mức cụ thể do Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định 3 năm một lần đồng thời, hàng năm Chính phủ phải báo cáo Quốc hội tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hộiđể bảo đảm chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Vấn đề khiến đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) băn khoăn là tỷ lệ phần trăm trích cho chi phí quản lý bảo hiểm. Đại biểu đề nghị làm rõ tỷ lệ trích sẽ lấy từ tổng nguồn thu bảo hiểm xã hội hay xác định tỷ lệ trích theo phần trăm kết quả đầu tư tăng trưởng quỹ hoặc có thể quy định tỷ lệ trích theo mức sàn, mức trần cụ thể.

Nhiều nội dung khác liên quan đến tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng để khắc phục tình trạng mất cân đối trong đóng- hưởng bảo hiểm xã hội, việc giao thẩm quyền thanh tra cho cơ quan bảo hiểm xã hội cũng được nhiều đại biểu đề cập đến tại phiên họp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục