Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, sáng 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đây là dự án Luật rất quan trọng và rất khó. Vì thế, ngay từ giai đoạn các cơ quan chủ trì soạn thảo đang trong quá trình chuẩn bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ động từ sớm, từ xa, tổ chức nhiều cuộc làm việc trực tiếp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan để quá trình chuẩn bị dự án Luật đạt chất lượng cao nhất.
Thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất
Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật. Việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất.
Mục đích tiếp theo là tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế..., đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất, nhà đầu tư, đồng thời thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 156 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.
Dự thảo Luật đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt, dự thảo Luật đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển.
[Hoàn thiện chính sách về đất đai: Cần thiết sửa đổi Luật Đất đai 2013]
Có nhiều nội dung mới như làm rõ phạm vi quy định của Luật Đất đai với các luật khác có liên quan; quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quản lý chặt chẽ đất đai về số lượng, chất lượng...
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm đã được đề ra trong Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị trong quá trình soạn thảo cần lưu ý bảo đảm sự phù hợp, tương thích giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan, thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là đến năm 2023, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Ngoài ra, ban soạn thảo đánh giá kỹ hơn về tính tương thích của dự thảo Luật với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật và thể chế hóa đầy đủ, cụ thể hơn các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị rà soát các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 69), thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 70), xác định rõ các tiêu chí, điều kiện thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi...
Chỉ cụ thể hóa những gì đủ chín, đủ rõ và đã có quyết sách của Trung ương
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định dự án Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ này.
Quá trình xây dựng, kết quả cuối cùng của dự án Luật này là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của các cơ quan Chính phủ, Quốc hội và cơ quan hữu quan; thể hiện năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước; năng lực kiến tạo phát triển, tháo gỡ vướng mắc khó khăn trước đây, không "đẻ" ra khó khăn, vướng mắc mới; công khai, minh bạch, chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong quá trình xây dựng pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan rất lớn, các luật khác cố gắng rồi thì luật này cố gắng gấp bội mới đáp ứng được yêu cầu.
Đánh giá cao sự nỗ lực chuẩn bị từ rất sớm của cơ quan soạn thảo, các cơ quan tham gia xây dựng dự án Luật và đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải làm kỹ lưỡng ngay từ kỳ họp đầu tiên; trên nguyên tắc bám sát chủ trương của Đảng, trực tiếp là Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh dự án Luật chỉ cụ thể hóa những gì đủ chín, đủ rõ và đã có quyết sách của Trung ương; còn cái nào chưa đủ độ chín và chưa có trong nghị quyết thì không đưa vào.
Việc xây dựng Luật này phải bảo đảm nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính chất ổn định của pháp luật đất đai qua các thời kỳ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt và được Trung ương khẳng định lại là đúng.
Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhưng phải đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa những vi phạm hiện nay.
Cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng, trên tinh thần lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của từng chủ thể, doanh nghiệp, người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ, dự án Luật của Chính phủ, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường - với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo; đồng thời đánh giá cao báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khá kỹ lưỡng.
Thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ đây là vấn đề được người dân, xã hội mong đợi.
Góp ý về các nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị rà soát các luật liên quan đến Luật Đất đai và việc xử lý trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Đất đai với luật khác, xác định thứ tự ưu tiên, nguyên tắc áp dụng pháp luật như thế nào để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật có đến 80/240 điều có quy định giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị xem xét luật hóa tối đa các quy định và giảm bớt các điều giao Chính phủ hướng dẫn để đảm bảo tính cụ thể, tính minh bạch của Luật.
Nêu rõ thu hồi đất là một chế định quan trọng trong Luật Đất đai, bà Lê Thị Nga cho rằng cần quy định chặt chẽ nội dung này; trong đó lưu ý nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW; rà soát kỹ lưỡng các trường hợp thu hồi đất để đảm bảo tính chính xác, phù hợp, tránh việc lạm dụng trong thực tiễn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị cân nhắc lại quy định Nhà nước thu hồi đất đối với dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại. Trường hợp này phải áp dụng cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết 18-NQ/TW. Nghị quyết 18-NQ/TW quy định tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng quy định về thu hồi đất chưa cụ thể hóa được tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, cơ bản kế thừa Luật hiện hành, vẫn theo hướng liệt kê mà chưa thể chế hóa được mục đích, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi như Nghị quyết yêu cầu. Do đó, ban soạn thảo cần rà soát, đánh giá kỹ hơn./.