Sức bật mới để đảo ngọc Phú Quốc phát triển mạnh mẽ

Phú Quốc đang tiếp tục thu hút nhiều nguồn lực đầu tư lớn mạnh, tăng thêm sức bật mới để sớm trở thàng một đặc khu kinh tế-hành chính hiện đại tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Sức bật mới để đảo ngọc Phú Quốc phát triển mạnh mẽ ảnh 1Một góc đảo Phú Quốc. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Đảo ngọc Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, đang trong tiến trình xây dựng, phát triển trở thành khu kinh tế-hành chính đặc biệt.

Cùng với cơ chế đặc thù, những chính sách ưu đãi vượt trội của Trung ương dành cho, Phú Quốc tiếp tục thu hút nhiều nguồn lực đầu tư lớn mạnh, tăng thêm sức bật mới để sớm thực hiện hoàn thành mục tiêu chiến lược phát triển của mình.

Đảo ngọc khoác chiếc áo mới

Theo Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, đảo ngọc đến nay đã thu hút khoảng 200 dự án đầu tư, với tổng diện tích 8.768ha, trong đó 112 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 4.850ha và tổng vốn đầu tư hơn 135.000 tỷ đồng, 18 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 6.849 tỷ đồng, 16 dự án đang triển khai xây dựng và các dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều dự án, công trình trọng điểm đã và đang đầu tư xây dựng như Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, Cảng biển Quốc tế An Thới, Cảng du lịch Bãi Vòng, tuyến cáp ngầm 110Kv Hà Tiên-Phú Quốc đưa điện lưới quốc gia ra đảo, hệ thống đường giao thông trục chính Bắc-Nam đảo Phú Quốc và đường quanh đảo trong giai đoạn hoàn thành…

Những dự án, công trình đó bước đầu khai thác hiệu quả, góp thêm sức mạnh nội lực, tạo đà phát triển cho đảo ngọc Phú Quốc.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc, nói từ đầu năm đến nay, nhiều dự án về dịch vụ du lịch, nhất là các khu khách sạn cao cấp được các nhà đầu tư tích cực triển khai ở khu phức hợp tại Bãi Trường, Bãi Dài, Bãi Khem, Bãi Sao.

Huyện đang tích cực triển khai nhiều chương trình thu hút đầu tư vào Phú Quốc đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài các tập đoàn kinh tế mạnh trong nước, một số tập đoàn lớn ở nước ngoài đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và bước đầu họ hài lòng về chính sách thu hút đầu tư vào Phú Quốc.

Tăng thêm sức bật phát triển

Đảo ngọc Phú Quốc tiếp tục được nhân lên sức bật, tạo đà phát triển mạnh mẽ khi Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc có thêm những đường bay quốc tế từ ngày 1/11/2014 ngoài đường bay Nga-Phú Quốc đang khai thác hiệu quả.

Đó là đường bay quốc tế từ Phú Quốc đến Singapore tần suất 2 chuyến/tuần và Siem Reap (Campuchia) là 3 chuyến/tuần.

Ngoài ra, Hãng hàng không Quốc gia Hàn Quốc (Korean Air) phối hợp với Công ty du lịch Hanjin Travel (Hàn Quốc) cũng đến Phú Quốc để tìm hiểu, xúc tiến mở đường bay từ Sân bay Incheon Hàn Quốc đến Sân bay Quốc tế Phú Quốc.

Hiện, các đơn vị chức năng của hai bên xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để triển khai thực hiện.

Theo ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, việc mở thêm đường bay thẳng từ Singapore tới Phú Quốc sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tiềm năng của Singapore vào Phú Quốc, góp phần đẩy mạnh giao thương giữa hai nước.

Hình ảnh Phú Quốc sẽ được quảng bá sinh động, sâu sắc hơn đối với các thị trường du lịch Singapore, các nước trong khu vực và thế giới.

Đây là một động lực mới, tạo cho Phú Quốc sức bật mới phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, trở thành một thành phố biển và một đặc khu kinh tế-hành chính trong tương lai với định hướng phát triển bền vững, hiện đại tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Một tin vui khác đến với Phú Quốc là dự án đầu tư Cảng hành khách Quốc tế tại đảo ngọc này đã được lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và Tổng cục Hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất lựa chọn vị trí xây dựng tại thị trấn Dương Đông.

Công suất thiết kế của cảng cho phép đón từ 105.000-190.000 hành khách/năm vào năm 2020 và năm 2030, con số này từ 350.000-550.000 hành khách/năm.

Cảng hành khách Quốc tế Phú Quốc có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 225.000 GT, sức chở từ 5.000-6.000 khách.

Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng cảng này hơn 1.254 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho hay Phú Quốc đang được tiếp thêm nhiều nguồn lực, tăng thêm sức bật mới nhờ Quyết định số 80/2013/QĐ-TTg, ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc.

Cụ thể là các cơ chế chính sách đặc thù tập trung vào ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, xuất nhập cảnh, cư trú đi lại, lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, đầu tư các công trình trọng điểm trên đảo, sử dụng vốn đầu tư vào các công trình trọng điểm.

Đây là hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi và cơ hội để thúc đẩy sự phát triển, thu hút nguồn đầu tư phát triển đảo ngọc Phú Quốc.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ký quyết định công nhận huyện đảo Phú Quốc là đô thị loại II và theo kế hoạch vào cuối năm nay, tỉnh Kiên Giang sẽ trình lên các Bộ Ngành và Chính phủ Đề án thành lập Thành phố Phú Quốc trực thuộc tỉnh.

Tiếp đến, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng và vừa trình Chính phủ Đề án “Xây dựng Đặc khu kinh tế-hành chính Phú Quốc.” Nếu được Trung ương chấp thuận đề án này thì đây sẽ là một bước ngoặt lớn đánh dấu bước phát triển mới mạnh hơn, nhanh hơn của Phú Quốc trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.