Sức bật phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”

Thực hiện từ năm 2011, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở thành phong trào trọng tâm trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015.
Sức bật phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” ảnh 1 Cơ giới hóa trên cánh đồng xã nông thôn mới Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Được Thủ tướng Chính phủ phát động và ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện từ năm 2011, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thực sự trở thành phong trào trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015.

Huy động sức mạnh tổng lực

Có thể nói trong số hàng chục phong trào thi đua từ năm 2011 đến nay, chưa phong trào nào lại huy động được sức mạnh tổng lực từ các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương mạnh mẽ, tích cực như phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.”

Đây là phong trào quần chúng sâu rộng và hiệu quả, được các bộ, ngành, địa phương hưởng ứng, tổ chức phát động và xây dựng kế hoạch triển khai quyết liệt, đồng bộ, với nội dung phong phú và hình thức đa dạng.

Từ năm 2012, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được tập trung chỉ đạo, nhiều địa phương thực hiện đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư, hỗ trợ nâng cao năng lực hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; tích cực đào tạo nghề cho nông dân, nhất là các địa phương có diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi; công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh hơn. Nhiều địa phương đã quan tâm và có chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học (đại học nông nghiệp) về nông thôn làm việc.

Nhiều mô hình mới được triển khai thực hiện hiệu quả như chuyển đổi diện tích ven biển để nuôi tôm (tỉnh Nam Định); mô hình mỗi làng một sản phẩm (tỉnh Quảng Ninh); xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu; phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên vùng cát ven biển (tỉnh Hà Tĩnh), phong trào hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới ở xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình với khẩu hiệu “Đường thẳng, ngõ thẳng” được người dân nhiệt tình tham gia, mang lại diện mạo mới cho các vùng quê.

Ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, chỉ tính riêng 25 hộ ở thôn Hưng Thành, xã Nam Hưng gần mặt đường đã hiến tới 5.000m2 đất ở để mở rộng đường liên thôn. Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã hiến hơn 20.000m2 đất để làm đường và các công trình hạ tầng nông thôn...

Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, nhiều địa phương như Thái Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hà Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Đồng Nai, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... đã có những cách làm sáng tạo, xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới, huy động được sự tham gia của người dân và cộng đồng, hình thành các phong trào ở khu dân cư về xây dựng đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, dồn điền đổi thửa, thúc đẩy cơ giới hóa.

Sau gần 5 năm bắt tay xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn vốn đầu tư của huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) lên đến hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do nhân dân đóng góp chiếm hơn 90%.

Để có được điều này, Xuân Lộc đã có những cách làm sáng tạo trong việc huy động sức dân để cùng tham gia thực hiện. Một trong những cách làm đó là làm cho dân thấy, dân tin để nhân dân cùng chung tay thực hiện.

Các công trình giao thông được Xuân Lộc thực hiện theo phương châm vừa làm vừa vận động nguồn vốn trong dân, từ đây nhân dân tận mắt thấy được kết quả thực tế nên nhiệt tình tham gia góp công, góp của, hiến đất để xây dựng cùng với nhà nước.

Mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được người dân đồng tình hưởng ứng, tạo bước chuyển biến trong các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

5 năm qua, cả nước đã có hàng vạn hộ gia đình nông dân tự nguyện dỡ rào, chặt cây và hiến hơn 24 triệu m2 đất, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng và gần 30 triệu ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi địa phương. Một số tỉnh, thành phố phân công cụ thể các sở, ban, ngành theo dõi các huyện và triển khai các tiêu chí theo từng ngành, lĩnh vực.

Nhiều tập thể, tổ chức, doanh nghiệp nhận đỡ đầu các xã xây dựng nông thôn mới dưới các hình thức như hỗ trợ vốn, kỹ thuật, tăng cường hệ thống thông tin, đào tạo nghề...

Đồng hành cùng các địa phương

Bên cạnh việc huy động sức mạnh nội lực để xây dựng nông thôn mới, các địa phương luôn có sự đồng hành của các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp.

Với vai trò là cơ quan điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng tiêu chí thi đua đối với các đơn vị thuộc Bộ, trong đó có nội dung đăng ký và tham gia chỉ đạo, hỗ trợ làm chuyển biến rõ nét ít nhất một địa phương trong xây dựng nông thôn mới.

Bộ đã đăng ký hỗ trợ cấp tỉnh, các đơn vị trực thuộc Bộ đăng ký hỗ trợ ít nhất một đơn vị cấp huyện hoặc cấp xã. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận giúp đỡ hai xã xây dựng nông thôn mới. Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh thực hiện các phong trào “đưa khoa học về nông thôn” thông qua thực hiện các chương trình khoa học, công nghệ cấp quốc gia liên quan đến lĩnh vực nông dân, nông thôn.

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức phong trào thi đua “Ngành Thông tin và Truyền thông chung sức xây dựng nông thôn mới” và coi đây là nội dung quan trọng để xem xét, đánh giá thi đua hàng năm của các đơn vị. Bộ Quốc phòng tổ chức phát động phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”…

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức thành viên tiến hành tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; đồng thời xây dựng Đề án về nâng cao chất lượng Cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư,” với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới toàn diện, cụ thể.

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới,” với phương châm hành động “Mỗi thanh niên một việc tốt, mỗi cơ sở Đoàn một hoạt động thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới” với nhiều hoạt động ý nghĩa trong xây dựng nông thôn mới...


Những kết quả tích cực

Đến nay, cả nước có 1.211 xã (đạt 13,5%) và 10 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là huyện Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh), huyện Hải Hậu (Nam Định), thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), huyện Đông Triều (Quảng Ninh), huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), huyện Đan Phượng (Hà Nội), thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang).

Bình quân mỗi xã đã đạt 11,56 tiêu chí (tăng 6,7 tiêu chí so với năm 2011). Nhiều tỉnh có số xã đạt chuẩn nông thôn mới với tỷ lệ cao như: Thành phố Hồ Chí Minh 54/56 xã; Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh bình quân các xã đạt 15-17 tiêu chí, cao hơn bình quân chung của cả nước ...

Xuất phát từ một vùng đất “nhiều không,” đến nay hơn 97% đường ấp trên địa bàn huyện Xuân Lộc đã được nhựa hóa, bêtông hóa. Trên 380km trong tổng số gần 420 km đường giao thông nông thôn và mỗi xã trong huyện còn có trên 10 tuyến đường tự quản trong khu dân cư, đảm bảo các tiêu chí “sáng-xanh-sạch-đẹp.”

Cùng với đó là hệ thống điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế cũng được đầu tư xây dựng đồng bộ phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Căn cứ quy hoạch nông nghiệp và quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt, huyện Xuân Lộc đã tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất để hình thành các vùng chuyên canh. Trong đó, trên 90% diện tích các loại cây trồng đều sử dụng giống mới.

Đặc biệt, Xuân Lộc còn được xem là thủ phủ cây ngô lai (bắp) với tổng diện tích gieo trồng hàng năm trên 12 ngàn ha. Từ những thay đổi và cách làm mạnh dạn, thu nhập của người dân Xuân Lộc không ngừng được nâng cao. Nếu như năm 2008, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện chỉ đạt trên 12 triệu đồng/người/năm, đến nay đã đạt hơn 37 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 3 lần.

Là huyện thuộc khu vực Tây Nguyên nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Lâm Đồng, giáp ranh với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, cách đây trên 5 năm, Đơn Dương được biết đến là một huyện khó khăn. Dân số toàn huyện có trên 101 nghìn người, trong đó trên 31% là đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên, 81% dân số theo các tôn giáo.

Đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo chiếm tới 11,47%, riêng đồng bào dân tộc thiểu số 29,29%. Thực trạng nông thôn theo bộ tiêu chí quốc gia ở thời điểm năm 2010, mỗi xã chỉ đạt bình quân 4,8 tiêu chí. Sau 5 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, nơi đây đã có 87,25% số xã đạt chuẩn nhóm tiêu chí hạ tầng, duy trì tăng trưởng kinh tế trên 15%/năm.

Huyện đạt chuẩn quốc gia về y tế, giáo dục (10/10 xã, thị trấn đạt chuẩn về y tế, 60% trường đạt chuẩn quốc gia). Thu nhập bình quân đầu người 48 triệu đồng/người/năm, tăng 2,8 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân là 1,5%, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số dưới 3% (giảm 10% chung và 27% trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với năm 2010).

Từ thực tế của các địa phương, có thể khẳng định, việc triển khai phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” là một chủ trương đúng đắn, cần thiết, hợp lòng dân. Thành quả rõ nét từ phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” mang lại, đó là đời sống của người dân được nâng cao, diện mạo nông thôn ở nhiều địa phương được thay đổi. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục