Sức ép từ đồng USD mạnh lên khiến giá dầu thế giới đi xuống

Khép phiên 17/4, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,55 USD (tương đương 1,8%) xuống mức 84,76 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,69 USD (2,1%) xuống mức 80,83 USD/thùng.
Sức ép từ đồng USD mạnh lên khiến giá dầu thế giới đi xuống ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu của Iran ở đảo Khark. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên 17/4 do đồng USD mạnh lên, bên cạnh việc giới đầu tư cân nhắc khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng Năm và làm giảm hy vọng phục hồi của kinh tế Mỹ.

Khép phiên 17/4, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,55 USD (tương đương 1,8%) xuống mức 84,76 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,69 USD (2,1%) xuống mức 80,83 USD/thùng.

Cả hai loại dầu tiêu chuẩn này đều ghi nhận tuần tăng thứ tư liên tiếp vào tuần trước, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất kể từ giữa năm 2022 tới nay.

Đồng USD đã mạnh lên cùng với những đồn đoán về khả năng Fed tăng lãi suất, khiến dầu - loại hàng hóa vốn được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà giao dịch nắm giữ các loại tiền tệ khác.

[Giá dầu châu Á neo trên ngưỡng 80 USD một thùng sáng 17/4]

Giới đầu tư hiện đang đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng Năm. Đồng thời, thị trường cũng kỳ vọng ngân hàng trung ương này sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, một động thái thường xảy ra trong thời kỳ suy thoái.

Thị trường sẽ dành nhiều sự chú ý cho báo cáo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I/2023 của Trung Quốc, dự kiến được công bố vào lúc 2 giờ (giờ GMT) ngày 18/4. Báo cáo này nhiều khả năng sẽ tác động tích cực đến giá các loại hàng hóa, với Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo Trung Quốc sẽ chiếm phần lớn mức tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu vào năm 2023.

Tuy nhiên, trong báo cáo hàng tháng, IEA cũng cảnh báo rằng việc cắt giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt nguồn cung dầu dự kiến trong nửa cuối năm nay.

Diễn biến này có thể gây tổn hại cho người tiêu dùng cũng như đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tại Iraq, các nguồn thạo tin cho hay chính phủ liên bang và Chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) đã giải quyết các vấn đề kỹ thuật cần thiết để nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ từ cảng Ceyhan thuộc Thổ Nhĩ Kỳ sang các thị trường quốc tế.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm dừng xuất khẩu nguồn cung 450.000 thùng dầu/ngày từ Iraq vào ngày 25/3, sau phán quyết trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ bồi thường thiệt hại 1,5 tỷ USD cho Baghdad liên quan tới hoạt động xuất khẩu trái phép của KRG từ năm 2014-2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.