Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong đại dịch tại TP.HCM

Và đến thời điểm đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát với số lượng ca mắc ngày càng tăng cao, cả thành phố bước vào cuộc chiến gian nan thì những cán bộ Mặt trận Tổ quốc luôn có mặt nơi tuyến đầu.
Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong đại dịch tại TP.HCM ảnh 1Người dân mang rau, hàng hóa đến để góp vào gian hàng 0 đồng hỗ trợ người ở điểm cách ly phường Tân Quý, quận Tân Phú. (Ảnh: TTXVN phát)

Có thể nói năm 2021 là quãng thời gian vô cùng đặc biệt đối với người dân Thành phố Hồ Chí Minh với dấu ấn không thể phai mờ về đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân. 

Nhưng cũng chính thời gian đó, trong khó khăn, hiểm họa càng sáng ngời thêm tình người son sắt, nghĩa đồng bào cao cả của người dân Việt Nam và thể hiện rõ hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác tuyên truyền, vận động, kết nối khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh chiến thắng với đại dịch.

Hiệu quả từ những mô hình sáng tạo

Trong những ngày thành phố chiến đấu với COVID-19, chung tay với cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên đã chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp các cơ quan ra lời kêu gọi, tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong nhân dân, góp phần ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng và đẩy lùi đại dịch COVID-19. 

Các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc thành phố đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt tổ chức nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, qua đó khơi dậy, tập hợp được các nguồn lực to lớn cho công tác phòng, chống dịch.

Đó là những mô hình “phiên chợ yêu thương,” “gian hàng 0 đồng,” “siêu thị nghĩa tình,” ATM gạo, khẩu trang, đồ thiết yếu… dành cho nhân dân khu cách ly, khu phong tỏa hay mô hình “đi chợ giúp dân” trong những ngày thành phố cách ly xã hội để phòng, chống dịch. Những hoạt động đầy tính sáng tạo ấy đã hỗ trợ thiết thực cho nhân dân thành phố trong những ngày khó khăn, tạo thêm lòng tin và sự lạc quan trong cuộc chiến với dịch bệnh. 

[Công bố 10 sự kiện nổi bật của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021]

Hơn 130 ngày đêm cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 cũng là khoảng thời gian hệ thống Mặt trận Tổ quốc thành phố phát huy vai trò đoàn kết sức mạnh toàn dân cho công tác phòng, chống dịch.

Những mô hình lần đầu xuất hiện tại địa bàn thành phố như “nghĩa tình, sẻ chia, đồng lòng vượt qua đại dịch,” “trung tâm an sinh - lưới an sinh hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19,” “Tổng đài S.O.S,” “Những chuyến xe nghĩa tình,” “Tình nguyện viên các tôn giáo nơi tuyến đầu chống dịch”... đã mang lại những kết quả tích cực, tạo nên sự đồng thuận của nhân dân thành phố.

Mọi tầng lớp nhân dân đã đoàn kết, không phân biệt thành phần, giai cấp, già, trẻ, gái trai, dân tộc, tôn giáo, đương chức hay nghỉ hưu… bất kể ngày đêm, đã ra quân đồng loạt trên mặt trận phòng, chống dịch. 

Trong những ngày chống dịch đỉnh cao, trước yêu cầu khẩn thiết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố khẩn cấp thành lập đội SOS hỗ trợ khẩn cấp các trường hợp cần giúp đỡ an sinh trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội; các mô hình thiện nguyện cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân; oxy, thuốc men cho bệnh nhân nhiễm COVID…

Hàng trăm cán bộ Mặt trận Tổ quốc, thanh niên, giảng viên đại học, cựu chiến binh đã bất chấp hiểm nguy, bất kể ngày đêm, mưa nắng để đến với những người dân gặp khó khăn đang cần trợ giúp bằng tình cảm sẻ chia, nghĩa đồng bào cao cả, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong đại dịch tại TP.HCM ảnh 2Thượng Tọa Thích Thiện Ngọc, trụ trì Chùa Phổ Minh, phường 15, quận Tân Bình cùng phật tử chuẩn bị cơm chay tặng các hộ dân khu vực phong tỏa và hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: TTXVN phát)

Đặc biệt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã vận động, triển khai chương trình tình nguyện viên tôn giáo hỗ trợ, chia sẻ với sự quá tải của lực lượng tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19…, 679 lượt tình nguyện viên là các linh mục, tu sỹ Công giáo, tăng ni, Phật tử, tín hữu Tin lành tham gia phục vụ hỗ trợ lực lượng y, bác sỹ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19 trên địa bàn thành phố, không chỉ góp phần giảm tải áp lực cho các y bác sỹ nơi tuyến đầu mà còn là minh chứng về tinh thần đại đoàn kết toàn dân sâu sắc của người dân thành phố trong những lúc nguy nan.

Nhìn lại những tháng ngày chống dịch, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, có những thời khắc vô cùng khốc liệt và cũng là lúc khối đại đoàn kết toàn dân tộc thể hiện sống động nhất sức mạnh tinh thần, ý chí đoàn kết, như ông cha ta thường nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức.”

Đó là thời gian để thể hiện sâu sắc hơn nữa về sứ mệnh đại đoàn kết và sứ mệnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và ứng phó với nghịch cảnh.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua được những khó khăn nhờ sự chỉ đạo, điều hành sáng suốt, kịp thời của Trung ương, các bộ, ngành; sự hỗ trợ, chi viện kịp thời của các lực lượng tuyến đầu, từ các tỉnh, thành phố trên cả nước; sự chung sức, chung lòng, “thắt lưng, buộc bụng” đoàn kết của nhân dân thành phố.

Trong những ngày dịch bùng phát, đồng bào đã thể hiện rõ sức mạnh đoàn kết toàn dân, trở thành yếu tố quyết định cho thành công của thành phố trong công tác phòng, chống dịch.

Những chiến sỹ Mặt trận Tổ quốc

Những ngày cuối năm 2021, khi những người dân thành phố hân hoan đón Năm Mới 2022 trong tình thái “bình thường mới,” chị Trần Thị Mỹ Dung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường 6, quận Tân Bình vẫn tất bật với công việc khảo sát, lên danh sách và tham gia công tác tiêm vaccine mũi bổ sung; cung cấp thuốc chữa COVID-19 cho F0 điều trị tại nhà; hỗ trợ người dân nghèo gặp khó khăn trên địa bàn…

Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong đại dịch tại TP.HCM ảnh 3Lễ khai trương chương trình "Siêu thị nghĩa tình Thủ Đức” và chương trình “đi chợ giúp dân mùa COVID-19”. (Ảnh: TTXVN phát)

Đó chỉ là những ngày tiếp nối đầy vất vả của khoảng thời gian hơn 100 ngày chị cùng đồng đội "căng mình" trên trận tuyến chống dịch. 

Trong những ngày cao điểm chống dịch, nhờ người chăm sóc con, vượt qua ngần ngại lo lắng ban đầu về sự lây nhiễm bệnh, bất kể nắng, mưa, chị Trần Thị Mỹ Dung đến với từng gia đình trên địa bàn để tuyên truyền, vận động, khảo sát, lập danh sách người khó khăn, rồi tiếp nhận, phân chia hàng hóa, chi trả các gói hỗ trợ khó khăn cho đến từng hộ gia đình khó khăn; sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu nơi chốt kiểm dịch, xét nghiệm COVID-19 cho người dân khu phong tỏa… 

Khi nói về công việc của mình, chị Trần Thị Mỹ Dung vui vẻ cho rằng, tất cả những gì chị đã làm trong thời gian qua chỉ là một hạt cát giữa đại dương công việc mà hệ thống Mặt trận Tổ quốc đã làm cho người dân thành phố trong những ngày gian khó.

Cùng với chị là hàng nghìn cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp của thành phố đã kiên cường có mặt trên tất cả mọi điểm nóng của trận chiến với COVID-19.

Ngay từ những ngày đầu tiên thành phố phát hiện những ca nhiễm virus SARS -CoV-2 đầu tiên, những cán bộ Mặt trận Tổ quốc cơ sở đã tỏa ra khắp mọi ngõ hẻm thành phố để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện biện pháp phòng dịch; tham gia quá trình truy vết, cách ly F1.

Và đến thời điểm đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát với số lượng ca mắc ngày càng tăng cao, cả thành phố bước vào cuộc chiến gian nan thì những cán bộ Mặt trận Tổ quốc luôn có mặt nơi tuyến đầu.

Họ thực hiện từ việc tuyên truyền, vận động nhân dân phòng dịch theo chỉ thị, hướng dẫn của ngành y tế và Chính phủ đến tập hợp các nguồn lực xã hội để chăm lo an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh; trực tiếp lăn xả vào nơi tuyến đầu chống dịch nơi các trung tâm cách ly y tế tập trung, bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19 để hỗ trợ lực lượng y bác sỹ trong cuộc chiến giành giật sự sống cho các bệnh nhân COVID-19…

Những cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp của thành phố sẵn sàng làm việc bất kể thời gian, giờ giấc, đi sớm, về khuya, thậm chí nhiều ngày phải xa gia đình rồi trở thành F0, F1 phải tạm cách ly, thậm chí nhiều người sau khi nhiễm bệnh đã không trở lại…   

Bằng những việc làm thầm lặng mà cao cả, những cán bộ Mặt trận Tổ quốc đã góp phần truyền năng lượng tích cực cho cộng đồng, mang lại sự thành công của thành phố trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố  cho rằng, cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua tiếp tục là một minh chứng sống động về sức mạnh đoàn kết, kết đoàn từ ý Đảng - lòng dân, kết đoàn trong truyền thống đạo lý tương thân tương ái, tình dân, tình người, dù ở đâu, dù trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, vất vả để giúp người cùng cảnh ngộ, giúp người trong cơn hoạn nạn.

Khi mỗi người là một chiến sỹ trên trận tuyến chống dịch thì những cán bộ Mặt trận Tổ quốc chính là những người lính xung kích nơi tuyến lửa.

“Có thể nói, giữa những ngày khốn khó, tình người và sức sống cố kết cộng đồng, sức mạnh đoàn kết dân tộc một lần nữa chính là “kháng thể” mạnh mẽ nhất, dẻo dai nhất, bền bỉ nhất giúp Thành phố Hồ Chí Minh và đất nước chúng ta vượt qua cơn cuồng phong của đại dịch,” bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.

Vượt qua những ngày tháng khó khăn, thăng trầm vì đại dịch COVID-19 của năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh đón chào năm 2022 với sự hy vọng và tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng.

Để có những nụ cười rạng rỡ của người dân thành phố trong khắc đón Năm Mới, có mồ hôi và cả những giọt nước mắt, sự nỗ lực, hy sinh của biết bao con người đã không quản ngại hiểm nguy, vất vả trong những ngày căng mình chống dịch, trong đó có những người cán bộ Mặt trận Tổ quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục