Sức mạnh của tổ chức Đảng đẩy lui mọi âm mưu tàn độc

Sức mạnh của tổ chức Đảng đẩy lui mọi âm mưu tàn độc của địch

Các tổ chức Đảng trong các nhà tù của đế quốc Mỹ đã hun đúc sức mạnh cho các chiến sỹ cách mạng Việt Nam đương đầu với cả bộ máy đàn áp, tra tấn tù binh hết sức man rợ.
Sức mạnh của tổ chức Đảng đẩy lui mọi âm mưu tàn độc của địch ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh chung với các đại biểu đại diện cho những người tham gia cấp ủy trong nhà tù và trại giam của địch ngày 10/12. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Nhằm thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đã dựng lên một hệ thống trên 300 nhà tù, trại giam và nơi giam giữ trên khắp dải đất hình chữ S.

Hơn 700.000 cán bộ, đảng viên, bộ đội, du kích, dân công, trí thức, quần chúng yêu nước… đã bị giam giữ, tra tấn, đàn áp trong các nhà tù và trại giam của địch.

Giữa nhà tù, nơi địa ngục trần gian, họ phải đối mặt với khổ sai, nhục hình, đói khát, bệnh tật và những thủ đoạn đê hèn của kẻ thù hòng làm nhụt tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh của các chiến sỹ cách mạng, phá hoại các tổ chức Đảng trong các nhà tù, trại giam. Song, mọi âm mưu, thủ đoạn của địch đã thất bại.

Vượt qua nỗi đau về thể xác, những hiểm nguy rình rập, họ vẫn giữ vững tinh thần của người đảng viên cộng sản, thành lập chi bộ trong nhà tù khổ sai, biến nhà tù thành trường học cách mạng, không ngừng học tập chính trị, động viên nhau giữ vững ý chí, tiếp tục đấu tranh với niềm tin bất diệt vào sự lãnh đạo của Đảng và niềm tin vào thắng lợi tất yếu của cách mạng.

Theo hồi tưởng của ông Phạm Bá Lữ, Trưởng ban Liên lạc tù binh Việt Nam, trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam-Phú Quốc tồn tại trong 80 tháng (từ tháng 7/1967-3/1973). Nơi đây, Mỹ-ngụy đã giam giữ hơn 40.000 tù binh, hơn 4.000 người đã chết vì tra khảo, đánh đập với hơn 45 kiểu tra tấn từ thời trung cổ đến hiện đại, trắng trợn nổ súng với các khu giam hủy diệt người tù.

Nhà tù Côn Đảo do thực dân Pháp dựng lên từ năm 1862, tiếp sau đó là đế quốc Mỹ tiếp tục sử dụng. Sau 113 năm tồn tại, nơi đây giam giữ 200.000 người, phần đông là tù chính trị có án, câu lưu; 40.000 người bị sát hại tại đây.

Ông Phạm Bá Lữ chia sẻ, với mức độ ác liệt như trên, ở trại giam Phú Quốc, trước thảm họa hủy diệt của kẻ thù, các đảng viên đã tập hợp nhau lại một cách tự giác, thu hút rất tự nhiên để đấu tranh và lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống địch.

Kẻ thù càng hung hãn, thì tổ đảng càng dũng mãnh, chặt chẽ. Nếu không có tổ chức đảng ở các phân khu, sự thiệt hại về người không chỉ dừng lại ở những con số nêu trên.

Khi mỗi đảng viên đã ở trong tổ chức đảng thì sức mạnh không phải là cấp số cộng mà còn hơn cả cấp số nhân, đã đương đầu với cả bộ máy điều hành kìm kẹp, đàn áp tù binh từ trung ương đến bộ chỉ huy trại giam có cả hệ thống 50 cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy.

Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, anh em tù binh Phú Quốc đã đoàn kết, đấu tranh dũng cảm, chống địch liên tục.

Với các tù binh, từ việc nhận hay không nhận lương thực, thực phẩm do địch cung cấp hàng ngày đều có ý kiến của tổ chức đảng thông qua chi bộ hoặc tổ đảng nhà bếp.

Tổ chức đảng mạnh, mọi người không đi tạp dịch những công việc dính líu đến quân sự, chống chào cờ ngụy... vì đó là phẩm chất, khí tiết, là lý tưởng của mỗi tù binh.

Đấu tranh với địch để học văn hóa, biến nhà tù của địch thành trường học cách mạng cũng là cuộc đấu tranh đã đổ bao xương máu mới giành được.

Các cuộc vượt ngục cá nhân hay tập thể, chui rào hay đi đổ cầu, lấy củi, đi tạp dịch, đánh hải quân, quân cảnh rồi lấy súng của địch về với căn cứ, tới việc tổ chức đào hầm dài hàng trăm mét để vượt ra ngoài đều có sự lãnh đạo của tổ chức Đảng mới thành công, giảm thiểu thiệt hại về người.

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của các tổ chức Đảng ở trong nhà tù là giáo dục tư tưởng chính trị. Nội dung thường lấy 10 lời thề trong quân đội, lời dạy của Bác “Trung với Đảng, hiếu với dân” và ''Nhật ký trong tù của Bác'' "thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao," muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao, mà rèn luyện giáo dục tinh thần đoàn kết gắn bó máu thịt, lòng trung thành với Đảng, với cách mạng và niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.

Trước lưỡi lê và họng súng quân thù, lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh chống kẻ thù xâm lược của những người cộng sản, những chiến sỹ cách mạng càng ngời sáng, tinh thần và nhuệ khí của người cộng sản luôn được giữ vững và phát huy.

Các tổ chức Đảng vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức, là nòng cốt lãnh đạo cuộc đấu tranh ở trong tù. Tại các nhà tù và trại giam của địch, các hoạt động này diễn ra trong điều kiện đặc biệt.

Từng bị giam tại nhà tù Phú Quốc năm 1972, ông Trần Thanh Sơn (sinh năm 1941, quê thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), kể lại, khi vào trong tù, người vào tù sau đã móc nối với những đồng chí vào trước và móc nối được tổ chức Đảng chính thức trong nhà tù. Từ đó, tổ chức Đảng mới phân công nhiệm vụ. Bước đầu, anh em giúp đỡ về mọi mặt, cho mình hiểu biết thêm cách sinh hoạt đảng trong tù.

Sinh hoạt đảng trong tù khác hẳn bên ngoài. Thường là sinh hoạt đơn tuyến, nếu sinh hoạt trong cấp ủy thì một người biết hai người, nếu là đảng viên thì mỗi người chỉ biết một người nhằm đảm bảo được bí mật các tổ chức Đảng.

Ông chia sẻ, trong tù, bị địch tra tấn dã man, nhưng đối với các đảng viên, niềm tin tất thắng là động lực lớn nhất, tin tưởng nhất định cách mạng sẽ thành công. Chính niềm tin đó đã động viên tất cả mọi người chịu đựng, vượt qua khó khăn gian khổ.

Tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị quê hương, năm 1968, ông Nguyễn Hữu Hiền, bị thương và không may bị rơi vào tay giặc và bị giam tại Phú Quốc.

Ông cho biết, trong nhà tù của địch, ông cùng anh em luôn giữ vững niềm tin với Đảng, cùng nhau chiến đấu kiên cường. Các đồng chí tham gia cấp ủy đã chú ý tập hợp lực lượng trước hết là những đồng chí đồng hương, thứ hai là những đồng chí cùng đơn vị, thứ ba là tổ chức đoàn, tổ chức đơn vị quyết tử cho Tổ quốc, đảm bảo thắng lợi.

Bị bắt giam trong chuồng cọp, biệt lập, bị đánh đập dã man, anh em càng hun đúc lòng căm thù, luôn lạc quan, tin tưởng, không bao giờ chịu khuất phục.

Nhiều quần chúng ưu tú đã được kết nạp đảng trong nhà tù. Đây là chiến trường đầy thử thách gai góc nhưng anh em đã chiến đấu cam đảm, giữ trọn niềm tin với Đảng, với dân.

Với ông Phạm Bá Lữ, Trưởng ban Liên lạc tù binh Việt Nam, mỗi khi nghĩ về trại giam tù binh cộng sản Việt Nam-Phú Quốc, nghĩ về tổ chức đảng trong các nhà tù và trại giam tù binh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông thường nhớ lại lời đồng chí Lê Văn Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trong lần nói chuyện với các tù binh, tù chính trị được trao trả sau Hiệp định Paris điều trị và an dưỡng tại Sầm Sơn-Thanh Hóa cuối năm 1973: “Các đồng chí đã đấu tranh quyết liệt, đấu tranh có tổ chức, tập hợp thành tổ chức để lãnh đạo đấu tranh… Tuy ở xa Đảng, xa nhân dân, xa sự lãnh đạo của Đảng nhưng từng cá nhân người cộng sản đã tập hợp lại đối phó với địch, để cùng nhau bàn bạc lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Những cái đó là làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên. Và tôi cũng tự hào về các đồng chí, tự hào Đảng ta có những người con như các đồng chí.”

Cuộc đấu tranh của cán bộ, đảng viên và quần chúng kiên trung trong các nhà tù, trại giam của địch tuy trải qua nhiều tổn thất và gặp vô vàn khó khăn nhưng đã kết thúc thắng lợi cùng với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Thời gian đã lùi xa, nhưng những giá trị, tinh thần của nó vẫn mãi là hành trang cho mỗi người con đất Việt trong cuộc sống hôm nay và mai sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục