Sức mua sắm dịp Noel của người Pháp chững lại vì mối lo khủng bố

Mặc dù các biện pháp an ninh đã được tăng cường tối đa, nhưng 45% người dân Pháp được hỏi cho biết họ vẫn chưa mua đầy đủ các món quà cho người thân và gia đình vì tâm lý bất an sau khủng bố.
Sức mua sắm dịp Noel của người Pháp chững lại vì mối lo khủng bố ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Không khí rộn ràng của mùa Giáng sinh đang tới gần, song nhịp độ mua sắm của người dân Pháp dường như đang "chững" lại do tâm lý bất an sau loạt vụ tấn công khủng bố ngày 13/11 vừa qua tại thủ đô Paris, mặc dù các biện pháp an ninh đã được tăng cường tối đa trên toàn nước Pháp.

Theo kết quả thăm dò của cơ quan Harris Interactive, hiện có tới 45% người dân Pháp được hỏi cho biết vẫn chưa mua đầy đủ các món quà cho người thân và gia đình.

Trong khi đó, cơ quan nghiên cứu thị trường Deloitte thăm dò ý kiến của hơn 1.300 người tiêu dùng cho rằng năm nay, người dân Pháp mua sắm muộn hơn so với năm ngoái từ 2-3 tuần.

Tuy nhiên, dự báo lượng khách đi mua sắm sẽ đông hơn so với những năm trước tại các cửa hàng lớn.

Điều đặc biệt, để tránh tình trạng chen lấn tại các cửa hàng và lo ngại nguy cơ khủng bố, người tiêu dùng Pháp đang có xu hướng mua sắm trên mạng kèm theo dịch vụ giao quà tận nhà. Điều đáng nói, quà tặng năm nay có thể là một thẻ mua quà chứ không nhất thiết phải tặng quà hiện vật.

Bên cạnh đó, tâm lý thấp thỏm, lo ngại khủng bố cũng khiến người dân Pháp thích quây quần tổ chức các bữa tiệc tưng bừng ở nhà thay vì ra phố tận hưởng không khí rộn ràng của đêm Giáng sinh.

Theo cơ quan nghiên cứu Nielsen, trong hai tuần lễ sau các vụ tấn công khủng bố trên, doanh thu của các siêu thị chuyên bán thực phẩm ở Paris và các vùng phụ cận đã giảm 2%, nhưng càng tới gần Giáng sinh, mức mua sắm đã tăng khoảng 4%, đặc biệt là trong những ngày cuối tuần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.