Sức sống lâu bền của phong trào thi đua 'Ba nhất' trong quân đội

Từ nội dung đến hình thức cũng như phương pháp tiến hành, cùng với các phong trào khác trong toàn quốc, “Ba nhất” đã làm cho không khí thi đua trong quân đội thêm sôi nổi.
Sức sống lâu bền của phong trào thi đua 'Ba nhất' trong quân đội ảnh 1Hạ sỹ Phạm Ngọc Cương, lá cờ đầu trong phong trào thi đua 'Chiến sỹ ba nhất' của Đại đội 3 (Đoàn Vinh Quang) cùng các 'chiến sỹ ba nhất' ôn tập bài mục trên sa bàn thao trường. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc," nhiều phong trào thi đua yêu nước đã nở rộ, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, cổ vũ động viên nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, làm nên những thắng lợi vẻ vang.

Trong số đó, phong trào thi đua "Ba nhất" đã thu hút sự tham gia của các đơn vị trong toàn quân, góp phần củng cố vững chắc khối đoàn kết công-nông-binh.

Đại đội 2, Trung đoàn 68 - “Ba nhất” đầu tiên trong toàn quân

Phong trào thi đua "Ba nhất" bắt nguồn từ Đại đội 2 pháo binh thuộc Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 68, đoàn Vinh Quang (nay là Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Pháo binh 68, Sư đoàn 304).

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Trung đoàn Pháo binh 68 được thành lập và nằm trong đội hình của Đại đoàn 304, làm nhiệm vụ huấn luyện và tiếp nhận binh khí kỹ thuật để xây dựng quân đội ngày một lớn mạnh.

Ngày 18/6/1960, tại Hội thi pháo binh toàn quân, Đại đội 2 pháo binh, đoàn Vinh Quang là đơn vị đạt 3 thành tích cao: đơn vị bắn giỏi nhất, đoàn có nhiều người, nhiều đơn vị tham gia thi nhất và đoàn có thành tích đều nhất.

Đại đội 2 - được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thay mặt Tổng Quân ủy tuyên dương thành tích và trao tặng danh hiệu “Ba nhất” (giỏi nhất, nhiều nhất, đều nhất) - là đơn vị “ba nhất” đầu tiên trong toàn quân.

[Phong trào “Ba sẵn sàng” - Dấu son tự hào của tuổi trẻ Việt Nam]

Phát huy truyền thống “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” của bộ đội pháo binh, cán bộ, chiến sỹ Đại đội 2 trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn Pháo binh 68 đã thực hiện tốt nhiệm vụ chiến đấu, kịp thời chi viện hỏa lực cho đơn vị bạn liên tiếp tiến công giành thắng lợi lớn trong các chiến dịch: Đường 9-Khe Sanh (1968); Đường 9-Nam Lào (1971); cuộc tiến công chiến lược năm 1972 với các trận: Động Toàn, Ba Hồ, Đông Hà, La Vang, Ái Tử, Quảng Trị; Chiến dịch Nông Sơn-Thượng Đức (1974) và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trung đoàn cũng tham gia chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam, làm tròn nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia và bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Phất cao ngọn cờ “Ba nhất”

“Ba nhất” là phong trào thi đua trong quân đội vừa cụ thể, thiết thực, vừa sinh động, sáng tạo, lấy huấn luyện chiến đấu, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu làm trung tâm, lấy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị làm mục tiêu thi đua cụ thể.

Không chỉ vậy, “Ba nhất” còn tạo nên bước đà phát triển mới của phong trào thi đua chung, tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường xây dựng miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Kể từ ngày Đại đội 2 được trao tặng danh hiệu đơn vị “Ba nhất” đầu tiên trong toàn quân, ở Trung đoàn 68, phong trào thi đua “Đuổi, đạt và vượt Đại đội Ba nhất” nở rộ.

Cũng từ cái nôi thi đua “Ba nhất” tại Trung đoàn 68, các đơn vị trong toàn quân nô nức hưởng ứng với nội dung “Ba nhất”: nhất về huấn luyện quân sự, rèn luyện kỹ thuật; nhất về gương mẫu, kỷ luật; nhất về lao động và sản xuất.

Nhiều đoàn pháo binh, như đoàn pháo binh Trường Sơn, pháo binh Tất Thắng, pháo binh Yên Thế, đoàn pháo binh Hòa Bình-Tây Bắc, đoàn công binh Sông Lô, công binh Sông Thao... với những tên gọi sáng tạo như: Đại đội chuyên môn cờ đỏ; Đi cùng “Ba nhất”; Một bước lấy đà ba bước nhảy vọt... đã trở thành những đơn vị tiêu biểu đi đầu, gây tiếng vang trong cả nước.

Không chỉ lôi cuốn các đơn vị trong quân đội, “Ba nhất” còn mở rộng ra những đơn vị dân quân ở nhiều địa phương. Nhiều nơi tổ chức ký kết giao ước thi đua, bắt tay cùng đơn vị “Ba nhất” thực hiện nhiều chỉ tiêu, nội dung cụ thể, như “có một tư tưởng "rẽ sóng ra khơi," chống tư tưởng "nước chảy bèo trôi"; hoàn thành hợp tác hóa nông thôn; giành vụ mùa đại thắng lợi vượt bậc… góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa bộ đội thường trực và lực lượng hậu bị; góp phần to lớn củng cố khối đoàn kết công-nông-binh.

Có thể thấy, sự phát triển và lan tỏa sâu rộng của phong trào thi đua “Ba nhất” trong quân đội là nhờ làm tốt công tác tư tưởng, lựa chọn đơn vị làm điểm, với những cách làm phù hợp, cùng nội dung thiết thực và việc tuyên truyền, nhân rộng các điển hình trong phong trào thi đua. Đây là những nhân tố quan trọng, góp phần làm cho phong trào thành công.

Tại Đại hội Liên hoan Chiến sỹ thi đua toàn quân, tháng 7/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương các phong trào thi đua và khẳng định: “Công nhân phất cao ngọn cờ Duyên Hải, Nông dân phất cao ngọn cờ Đại Phong, Quân đội anh hùng phất cao ngọn cờ 'Ba nhất,' Công, nông, binh đại thi đua, đại đoàn kết, Chủ nghĩa xã hội nhất định đại thành công, Bắc-Nam nhất định sẽ thống nhất non sông một nhà!"

Sức sống lâu bền của phong trào thi đua 'Ba nhất' trong quân đội ảnh 2Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua chống Mỹ, cứu nước (Đại hội Anh hùng Chiến sỹ thi đua lần thứ IV) tháng 12/1966, tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Với hiệu quả, ý nghĩa lớn lao của phong trào "Ba nhất" trong quân đội, tại Đại hội liên hoan Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ ba, Hội đồng Chính phủ đã tuyên dương thành tích của phong trào "Ba nhất" và trao cho Bộ Quốc phòng lá cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào Ba nhất" để Bộ Quốc phòng tặng đơn vị thi đua giỏi nhất toàn quân.

Hơn 60 năm đã trôi qua, cái nôi của phong trào thi đua "Ba nhất" - Trung đoàn Pháo binh 68 - vẫn luôn phát huy tốt truyền thống vẻ vang với 8 chữ vàng "Chủ động, kiên cường, đánh giỏi, bắn trúng"; tích cực, chủ động trong học tập, rèn luyện không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật pháo binh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, là một trong những đơn vị đứng đầu trong các phong trào thi đua.

Trải qua nhiều năm xây dựng với tổ chức biên chế khác nhau, hiện nay với biên chế là trung đoàn khung thường trực, đơn vị Pháo binh 68 luôn thực hiện tốt nhiệm vụ phúc tra, nắm nguồn và huấn luyện lực lượng dự bị động viên.

Từ năm 2019, trung đoàn được giao nhiệm vụ huấn luyện chiến sỹ mới và kết quả huấn luyện luôn 100% đạt yêu cầu, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Có thể nói, phong trào “Ba nhất” có sức sống lâu dài và góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Từ nội dung đến hình thức cũng như phương pháp tiến hành, cùng với các phong trào khác trong toàn quốc, “Ba nhất” đã làm cho không khí thi đua trong quân đội thêm sôi nổi. Ngày nay, nhiều đơn vị vẫn tiếp tục phất cao ngọn cờ “Ba nhất” với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục