Sức sống mới nơi Ngã ba Đồng Lộc - “tọa độ lửa” năm xưa

Tháng 7/1968, Ngã ba Đồng Lộc đã ghi một dấu son chói lọi trên con đường chiến lược Trường Sơn, góp phần cùng quân và dân cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng.
Sức sống mới nơi Ngã ba Đồng Lộc - “tọa độ lửa” năm xưa ảnh 1Khu dân cư kiểu mẫu Sơn Bình. (Ảnh: Hoàng Ngà/Vietnam+)

Tháng 7/1968, Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã ghi một dấu son chói lọi trên con đường chiến lược Trường Sơn, góp phần cùng quân và dân cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng.

Trải qua 50 năm, mảnh đất từng được mệnh danh là “tọa độ chết” này đang mạnh mẽ vươn lên, viết tiếp trang sử mới trong cuộc hành trình xây dựng quê hương giàu đẹp.

Cho những con đường liền mạch

Trong kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc được coi là “huyết mạch” trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc-Nam, giao điểm của đường 15 và các đường liên tỉnh.

Toàn bộ khu vực chiến trường Ngã ba Đồng Lộc nằm trải mình dưới dãy Trà Sơn, thuộc phạm vi các xã Đồng Lộc, Trung Lộc, Xuân Lộc, Mỹ Lộc, Thượng Lộc của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Nhận rõ vị trí quan trọng của Đồng Lộc, ngay sau khi đánh sập tất cả các cầu trên đường 1A, kẻ thù tiếp tục đánh phá đường 15A. Từ tháng 4-10/1968, chúng đã đánh vào Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, ném gần 50.000 quả bom các loại.

Suốt ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn, đất đá bị đào đi xới lại nhiều lần, hố bom chồng chất hố bom. Theo ước tính, mỗi mét vuông đất ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn.

Vậy nhưng sức mạnh của kẻ thù không thể ngăn nổi ý chí và quyết tâm của quân và dân ta. Địch càng quyết phá thì quân và dân ta càng quyết giữ, chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực để bảo vệ cung đường huyết mạch 15A.

Trong suốt 300 ngày đêm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, hơn 16.000 người thuộc các lực lượng đã đối mặt, bám trụ chiến đấu kiên cường để nối mạch, thông đường với tiền tuyến.

Với quyết tâm sắt đá “đường chưa thông không tiếc xương tiếc máu” và tinh thần “địch phá một ta làm mười,” quân và dân ta đã ngày đêm chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh bảo toàn cho những tuyến đường.

Đồng Lộc đã trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, là sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Có 465 cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng thanh niên xung phong, giao thông vận tải, lực lượng dân quân tự vệ, nhân dân Đồng Lộc và đơn vị Pháo cao xạ 210 đã anh dũng hy sinh để giữ vững mạch máu giao thông thông suốt, góp phần quyết định chiến thắng trên chiến trường miền Nam, bẻ gãy ý chí xâm lược của kẻ thù.

Tại Ngã ba Đồng Lộc từ năm 1964-1972, đã có 1.226 người dân các xã vùng lân cận thuộc huyện Can Lộc và 8 em học sinh bị bom đạn kẻ thù sát hại. Sự hy sinh anh dũng của họ đã góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta tại chiến trường Đồng Lộc.

Sức sống mới nơi Ngã ba Đồng Lộc - “tọa độ lửa” năm xưa ảnh 2Vườn cam của ông Nguyễn Quang Hùng. (Ảnh: Hoàng Ngà/Vietnam+)

Sức sống mới trên cung đường 15A

Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất “bom cày, đạn xới” năm xưa giờ đây đang “thay da đổi thịt” từng ngày.

Những ngày tháng Bảy rực rỡ nắng vàng, đi dọc dãy Trà Sơn, bên cung đường 15A hiện lên trước mắt chúng tôi những đồi cam đẹp ngỡ ngàng, những ngôi nhà cao tầng khang trang… là minh chứng cho sức sống bất diệt của đất và người nơi đây.

Là xã miền núi của huyện Can Lộc, gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nhưng nhờ biết phát huy mọi nguồn lực, xã Thượng Lộc đã cán đích nông thôn mới vào năm 2017.

Thượng Lộc ngày nay đang bừng lên sức sống mới trên vùng đất một thời từng xác xơ bởi sự tàn phá của chiến tranh.

Ông Nguyễn Viết Chuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thượng Lộc chia sẻ: “Rộng gần 1.800ha nhưng chiếm một nửa là diện tích đồi núi, xã Thượng Lộc chú trọng phát triển kinh tế trang trại gắn với chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Đến nay toàn xã có 380 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.”

Nhờ địa hình đồi núi, chất đất và khí hậu đặc trưng đã tạo nên giống cam đặc thù mà chỉ ở Thượng Lộc mới có được, cam giòn có vị ngọt, giòn và thơm đặc trưng.

Toàn xã Thượng Lộc hiện có 220ha cam, bưởi, trong đó phần lớn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất, chất lượng cao.

Để tạo đầu ra cho sản phẩm, xã Thượng Lộc đã xây dựng thành công thương hiệu cam Thượng Lộc, nhờ đó sản phẩm được bao tiêu đầu ra với giá ổn định.

Hiện tại, xã Thượng Lộc đang thực hiện chủ trương mở rộng diện tích trồng cam mỗi năm từ 30-40 ha.

Đi giữa những con đường rộng thênh thang, những triền núi xanh mướt bóng cây, khó ai có thể hình dung được, 50 năm về trước, đây lại chính là “tọa độ lửa,” nơi đổ xuống đạn, bom, máu và nước mắt.

Dẫn chúng tôi về thăm Khu dân cư kiểu mẫu Sơn Bình, ông Nguyễn Đình Anh - Trưởng thôn Sơn Bình vui mừng chia sẻ: “Thôn này năm xưa là trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế vườn đồi, bà con vừa khai hoang phục hóa vừa san lấp hố bom, dần hình thành nên thế vườn, dáng núi của một vùng Trà Sơn trù phú.” 

Thôn Sơn Bình có 139 hộ đều quy hoạch phát triển kinh tế vườn, trong đó có 24 vườn mẫu đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhân dân Sơn Bình chú trọng sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, chuỗi sản phẩm cam, chanh, bưởi và trồng xen một số rau màu, kết hợp chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Rời Thượng Lộc, xuôi theo đường 15A, chúng tôi tìm về Đồng Lộc, địa phương nơi có Ngã ba Đồng Lộc lịch sử giờ đây nhận được sự quan tâm của chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân đã khang trang diện mạo mới.

Đồng Lộc dần khoác lên mình dáng dấp của một đô thị và theo lộ trình, trong tháng Bảy này, xã sẽ chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định trở thành thị trấn.

Ông Trần Đình Vương - Bí thư Đảng ủy xã Đồng Lộc vui mừng chia sẻ: Xã Đồng Lộc thuộc vùng Tây Nam của huyện Can Lộc với diện tích tự nhiên 1.869ha, quy mô dân số gần 5.000 người.

Những năm qua, các cấp ngành từ Trung ương tới địa phương đã sớm có chủ trương đầu tư xây dựng và phát triển xã Đồng Lộc trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Tây Nam huyện Can Lộc.

Tiếp bước cha anh, nhân dân Đồng Lộc không ngại hiến đất của gia đình mình để cùng Đảng bộ, chính quyền xây dựng quê hương. Chỉ tính riêng trong năm 2017, xã Đồng Lộc đã giải phóng mặt bằng 3,5ha đất nông nghiệp của 157 hộ dân để xây dựng chợ và trung tâm thương mại.

Đặc biệt hơn nữa, 82 hộ dân thuộc các thôn Tùng Liên, Trung Thành, Thượng Liên đã tình nguyện hiến 10.000m2 đất ở và công trình phụ trợ để xây dựng tuyến đường nối giữa Ngã ba Khiêm Ích đi đường tránh.

Nhắc đến chuyện các hộ dân trong thôn đồng loạt hiến những “tấc vàng” cho việc làm đường, ông Nguyễn Công Bình - Bí thư Chi bộ thôn Tùng Liên (xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) không khỏi xúc động: "Người dân thôn Tùng Liên đã hiến đất không chỉ một lần mà tận hai lần vào năm các 2014 và 2017. Nhiều hộ như gia đình anh Hà Văn Nhàn đã tình nguyện lùi vào gần 150m2 đất, hộ ít cũng lùi vào tận 75m2 đất sau hai lần. Bà con đều tự ý thức được đó là trách nhiệm và quyền lợi của mình vì một Đồng Lộc tươi đẹp hơn."

Nhờ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, nhiều năm liền, xã Đồng Lộc đã đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao, cơ cấu kinh tế từng bước được chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm dần, tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại tăng.

Tổng thu ngân sách năm 2017 của xã Đồng Lộc đạt 22,4 tỷ đồng. Tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, hệ thống các công trình hạ tầng đã và đang được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ.

Thu nhập bình quân của người dân Đồng Lộc đã đạt gần 30 triệu đồng/người/năm. Toàn xã hiện có 215 hộ kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực; có 9 tổ hợp tác, 9 doanh nghiệp, 9 hợp tác xã./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục