Sức sống mới tại bản tái định cư Sa Ná ở vũng lũ Quan Sơn

Mặc dù nền móng, dấu tích của hàng chục ngôi nhà bị dòng lũ dữ cuốn trôi vẫn còn nguyên vẹn nhưng con đường dẫn vào bản hôm nay đã được thông để cho xe, máy móc vào khắc phục hậu quả.
Sức sống mới tại bản tái định cư Sa Ná ở vũng lũ Quan Sơn ảnh 1Lực lượng vũ trang tham gia sửa chữa điểm trường Tiểu học Sa Ná-Son. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Sau hơn 4 tháng cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các ban, ngành chức năng và sự chung tay của các nhà hảo tâm, bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) - nơi cơn lũ dữ bất ngờ quét qua hồi đầu tháng 8/2019 - đang dần hồi sinh trở lại, hứa hẹn một cuộc sống ấm no, đủ đầy tại nơi ở mới.

Trở lại Sa Ná vào dịp Ủy ban Nhân dân huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) tổ chức lễ bàn giao 51 ngôi nhà tái định cư cho người dân, chúng tôi cảm nhận rõ niềm hân hoan và phấn khởi của người dân khi được chuyển về nơi ở mới.

Mặc dù nền móng, dấu tích của hàng chục ngôi nhà bị dòng lũ dữ cuốn trôi vẫn còn nguyên vẹn nhưng con đường dẫn vào bản hôm nay đã được thông để cho xe, máy móc vào khắc phục hậu quả, giúp người dân tái thiết cuộc sống mới.

[Thanh Hóa: Chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ Quan Sơn]

Khu tái định mới nằm trên đồi Pom Ngồ, cách vị trí bản cũ khoảng 1km. Ông Lữ Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo, cho biết ngay sau khi cơn lũ dữ quét qua, Ủy ban Nhân dân huyện Quan Sơn và các cơ quan, ban, ngành đã khẩn trương huy động nhân lực, vật lực, nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai. Địa phương khẩn trương tìm phương án phù hợp để nhân dân có nơi ở mới, yên tâm an cư lạc nghiệp khi năm mới đã cận kề.

Sau khi khảo sát địa chất, cơ quan chức năng đã thống nhất chọn vị trí mới cho người dân định cư tại đồi Pom Ngồ, thuộc địa phận bản Sa Ná, có diện tích 5,29ha.

Vị trí này khá bằng phẳng, không ảnh hưởng taluy âm và taluy dương, chỉ phải xây dựng kè chống sạt lở cục bộ. Tại đây, mỗi gia đình được cấp 240m2 đất ở, có vườn trồng rau quả.

Những gia đình bị thiệt hại từ 70-100% được hỗ trợ 300 triệu đồng; gia đình bị thiệt hại từ 50-70% được hỗ trợ 200 triệu đồng, thiệt hại từ 30-50% được hỗ trợ 150 triệu đồng.

Sau gần 4 tháng gấp rút thi công, đến nay, các cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được hoàn thiện. Nhân dân bắt đầu chuyển dần vào nơi ở mới để ổn định cuộc sống trước Tết Nguyên đán 2020.

Tại bản tái định cư, những ngôi nhà mới kiên cố được quy hoạch san sát nhau, tạo không khí đầm ấm, đoàn kết giữa các gia đình trong bản. Trong các ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới, tiếng cười, tiếng nói rộn ràng. Nhà nào cũng tất bật dọn dẹp, bố trí lại đồ đạc và hoàn thành những công việc còn lại để chuẩn bị dọn về ở.

Ngoài tập trung xây dựng lại nhà mới cho người dân, các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng đang được chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể nỗ lực hoàn thiện để người dân có cuộc sống đủ đầy nhất tại nơi ở mới.

Nhà văn hóa bản Sa Ná đã được hoàn thiện với quy mô hàng trăm chỗ ngồi, phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ của người dân.

Điểm trường Tiểu học Son, Sa Ná đang được gấp rút hoàn thiện, dự kiến học kỳ 2 năm học 2019-2020 sẽ đón học sinh vào học...

Các đơn vị thi công đang tập trung hoàn thiện hạng mục điện, nước, giao thông... hoàn thành trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Phấn khởi vì người dân Sa Ná đã chuyển về nơi ở mới đúng kế hoạch, ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quan Sơn cho biết có thể nói, Sa Ná là bản tái định cư được xây dựng và hoàn thiện nhanh nhất từ trước đến nay. Sa Ná có được như hôm nay là nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự giúp sức của toàn xã hội.

Đến nay, các hạng mục như nhà ở, nhà văn hóa, điện, nước, trường, trạm... đã cơ bản hoàn thành để đón người dân về ở. Về lâu dài, huyện đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt dự án xây dựng cầu bê tông vượt sông Luồng, làm đường giao thông nối bản Bo Hiềng vào Sa Ná, Son và đi các bản Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy), bản Ché Lầu (xã Na Mèo) để người dân đi lại, giao thương thuận lợi, an toàn hơn.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của người dân Sa Ná là vấn đề sinh kế, việc làm để duy trì và ổn định cuộc sống. Chính quyền địa phương đang rà soát toàn bộ diện tích đất sản xuất của người dân để tính toán cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với điều kiện, hạ tầng sản xuất nhằm tạo sinh kế cũng như thu hút doanh nghiệp vào giải quyết việc làm cho đồng bào Sa Ná.

Hy vọng rằng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự chung tay giúp sức của cộng đồng xã hội, người dân Sa Ná sẽ cùng nhau cố gắng khắc phục mọi khó khăn, xây dựng tình đoàn kết để hướng đến những mục tiêu cao hơn. Đó là sớm xây dựng Sa Ná trở thành bản nông thôn mới và tiến tới là bản nông thôn mới kiểu mẫu trong tương lai không xa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục