Với doanh số bán hàng 11 tháng qua đạt 244.670 xe các loại, dự báo sức tiêu thụ toàn thị trường ôtô Việt Nam năm 2017 không bằng năm 2016 chứ chưa nói đến việc tăng trưởng ít nhất 10% như dự báo ban đầu.
Ngày 9/12, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) công bố tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ôtô trong tháng 11 vừa qua đạt 24.752 xe, tăng 13% so với tháng trước sau nhiều tháng sụt giảm doanh số.
Trong tổng doanh số bán hàng trên, có 12.774 xe du lịch, tăng 6%; 10.310 xe thương mại, tăng 15% và 1.465 xe chuyên dụng, tăng 65% so với tháng trước.
Xét về xuất xứ xe, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 17.697 xe, tăng 14% và sản lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.055 xe, tăng 10% so với tháng trước.
Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh ở cả ba phân khúc xe du lịch, thương mại và chuyên dụng trong tháng qua, nhưng vẫn chưa thể giúp thị trường ôtô Việt Nam tăng trưởng hơn so với các năm trước.
['Giấc mơ' mua xe ôtô giá rẻ của người tiêu dùng gần như đã khép lại]
Tính chung tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ôtô 11 tháng của năm 2017 chỉ đạt tổng cộng 244.670 xe các loại, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, phân khúc xe du lịch giảm 12%, xe thương mại giảm 5% và xe chuyên dụng giảm 15%.
Cũng xét về xuất xứ xe, trong 11 tháng qua doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 19% trong khi xe nhập khẩu tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo giới chuyên doanh, mặc dù trong tháng 11 các hãng đồng loạt giảm giá bán xe, có những mẫu xe giảm giá đến vài trăm triệu đồng đã phát huy tác dụng kích cầu.
Tuy nhiên, so với dự báo của VAMA sức tiêu thụ của thị trường ôtô năm 2017 sẽ tăng ít nhất 10% so với năm 2016 là hoàn toàn bất khả thi.
Kết thúc năm 2016 với tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 304.427 xe ôtô các loại, tăng 24% so với năm 2015 và đã xác lập kỷ lục doanh số mới trong 20 năm qua, VAMA dự báo doanh số năm 2017 sẽ tăng ít nhất 10% so với năm 2016.
Thế nhưng, thời gian gian còn lại của năm 2017 chỉ còn tính bằng ngày nên doanh số bán trong cả tháng 12 này dù là bước vào mùa mua sắm cao điểm cuối năm nhưng cũng khó có thể đạt được doanh số của năm 2016 chứ chưa nói đến dự báo của VAMA.
Đặc biệt, từ tháng 11 vừa qua đến nay, nhiều hãng xe đã điều chỉnh giá bán xe theo hướng có lợi hơn cho người tiêu dùng, đồng thời công bố bảng giá xe cho năm 2018 cũng tạo điều kiện cho khách hàng lựa chọn thời điểm mua xe có lợi nhất.
Điển hình trong việc điều chỉnh giá này là đầu tháng 11 Toyota Việt Nam công bố giá bán lẻ mới cho năm 2018 với các mẫu xe lắp ráp trong nước và áp dụng luôn trong tháng. Theo đó, mẫu xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam là Vios có mức giảm cao nhất đến 58 triệu đồng, dòng xe đa dụng bán chạy nhất của Toyota tại Việt Nam là Innova cũng được giảm đến 50 triệu đồng; dòng sedan Corolla cũng có mức giảm từ 24-31 triệu đồng, tùy từng phiên bản.
Sau Toyota Việt Nam, ngày 21/11, Hyundai Thành Công cũng công bố giá bán lẻ mới và giảm từ 20-40 triệu đồng cho mẫu bán chạy nhất của hãng là Grand i10 đồng thời áp dụng luôn bảng giá này cho năm 2018. Không dừng lại ở đó, đầu tháng 12 này, Hyundai Thành Công tiếp tục công bố giá bán lẻ mới cho cả ba phiên bản Elantra với mức giảm từ 66-80 triệu đồng, giá xe chỉ còn từ 549 triệu đồng (đã bao gồm thuế VAT).
Không nằm ngoài cuộc chơi, Nissan Việt Nam cũng vừa điều chỉnh giá bán hai dòng xe lắp ráp trong nước là X-Trail và Sunny với mức giảm đến 127 triệu đồng và áp dụng bảng giá cho năm tiếp theo để khách hàng có thể lựa chọn thời điểm mua xe hợp lý. Việc giảm giá này ít nhiều cũng đã giúp khách hàng mua xe ngay được hưởng lợi...
Không như Toyota và Hyundai Thành Công hay Nissan, từ tháng 11 vừa qua, Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) giảm giá bán gần như hầu hết các dòng xe Kia và Mazda đến hết năm 2017, đồng thời công bố giá bán năm 2018 với mức giảm thêm tương đương.
Cụ thể, Thaco giảm giá cho hàng loạt mẫu xe “ăn khách” là Kia Morning, Kia Rio, Kia Cerato với mức giảm từ 5-25 triệu đồng, sang năm 2018 cũng có mức giảm tương đương. Tương tự, các mẫu xe Mazda2, Mazda3, Mazda6 và BT-50 cũng có mức giảm từ 10-25 triệu đồng kể từ ngày công bố và từ năm 2018 cũng có mức giảm gần tương đương, tùy vào mẫu xe và phiên bản...
[VAMA: Lo lắng xe nhập khẩu bị ‘gò ép’ theo quy chuẩn Việt Nam]
Theo giới chuyên doanh, sau nhiều tháng liên tiếp trồi sụt, doanh số tiêu thụ của toàn thị trường ôtô tháng vừa qua tăng 13% so với tháng trước một phần do chính sách liên quan đến ôtô đã được thể hiện rõ hơn nên người tiêu dùng đã có thể quyết định thời điểm mua xe không còn chờ đợi chính sách như trước đây.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất và phân phối cũng đã mạnh tay giảm giá bán xe đến hàng trăm triệu đồng để chạy doanh số cuối năm, đồng thời công bố giá xe năm 2018, nhiều người tiêu dùng đã chớp cơ hội này mua luôn xe cũng giúp thị trường ôtô tăng trưởng trở lại.
Tuy nhiên, với việc doanh nghiệp công bố giảm giá bán xe trong năm nay và giá cho cả năm 2018 theo xu hướng giảm thêm cũng khiến khách hàng điều kiện kinh tế chưa thật dôi dư chờ đợi sau ngày 1/1/2018 mới quyết định mua xe cũng góp phần giảm doanh số nhẹ ở một số mẫu xe giảm giá này...
Như vậy, sau 11 tháng, tổng doanh số bán hàng toàn thị trường ôtô đạt 244.670 xe các loại. So với doanh số bán hàng của cả năm 2016 là 304.427 xe và tính theo chu kỳ báo cáo bán hàng hàng, thời gian còn lại của năm 2017 chỉ còn một tháng nữa là kết thúc nhưng vẫn còn thiếu tới gần 60.000 xe mới bằng doanh số của năm trước.
Con số thiếu này còn cao hơn gấp đôi so với doanh số bán hàng bình quân mỗi tháng, nên để đạt doanh số như năm 2016 là điều không thể, chứ chưa nói đến dự báo của VAMA về tăng trưởng của thị trường ôtô năm 2017 ít nhất 10%./.