Ngày 6/3, các Bộ trưởng Ngoại giao Sudan, Ai Cập và Ethiopia đã nhất trí trên cơ bản về một thỏa thuận sử dụng nguồn nước sông Nile và đập thủy điện gây tranh cãi "Đại phục hưng" của Ethiopia.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Sudan Ali Karti nêu rõ ba nước đã hoàn toàn thống nhất về nguyên tắc sử dụng vùng lòng chảo sông Nile và đập "Đại phục hưng" và các nguyên tắc này sẽ được trình lên các nhà lãnh đạo mỗi nước.
Ông Karti đánh giá đây là "hướng đi mới trong quan hệ ba nước" song không cung cấp thông tin chi tiết về thỏa thuận.
Về phía Ai Cập, Bộ trưởng Ngoại giao Sameh Shoukri cũng nhận định các nguyên tắc vừa được thống nhất đã đánh dấu "khởi đầu của sự tăng cường hợp tác giữa ba nước".
Trong khi đó, người đồng cấp Ethiopia Tedros Adhanom khẳng định thỏa thuận này "mở ra chương mới" trong quan hệ với Ai Cập và Sudan.
Vòng đàm phán trên diễn ra ở thủ đô Khartoum của Sudan vào ngày 3/3 vừa qua, chú trọng vấn đề chia sẻ nguồn nước sông Nile và giải quyết bất đồng giữa các bên xung quanh dự án đập "Đại phục hưng."
Ethiopia bắt đầu đổi hướng dòng chảy của sông Nile hồi tháng 5/2013 để xây dựng đập thủy điện dài 1.780m và cao 145m, có công suất 6.000 megawatt. Với chi phí dự tính lên tới 4,2 tỷ USD, "Đại phục hưng" sẽ trở thành đập thủy điện lớn nhất châu Phi sau khi được hoàn thành vào năm 2017.
Dự án trên đã vấp phải sự phản đối từ phía Ai Cập vì cho rằng đập sẽ làm gián đoạn dòng chảy của sông Nile./.