Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 15/1, Chính phủ Sudan cho biết việc Mỹ dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Sudan là bước đi phù hợp và đây "không phải là phần thưởng" của Washington dành cho quốc gia châu Phi này.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Khartoum, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã cho rằng quyết định của Mỹ là một sự phát triển "tích cực" và Khartoum sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mối quan hệ bình thường với Washington.
Quyết định nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Mỹ được đưa ra vào thời điểm Sudan đang hoàn tất quá trình đối thoại quốc gia và hướng tới sự hình thành của một chính quyền hòa hợp dân tộc.
Trước đó, Ngoại trưởng Sudan Ibrahim Ghandour cho biết đến nay, Chính phủ Sudan không đưa ra bất kỳ sự nhượng bộ nào đối với Mỹ. Nguyên tắc chống khủng bố là nhiệm vụ chung của cộng đồng quốc tế và Sudan cam kết chống chủ nghĩa khủng bố cũng như chủ nghĩa cực đoan.
Tuy nhiên, việc Mỹ hiện vẫn đưa Sudan vào danh sách "tài trợ khủng bố" là bất công.
Ngày 13/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định hủy bỏ hai lệnh trừng phạt kinh tế đối với Sudan, với lý do Chính phủ nước này gần đây đã có "nhiều hành động tích cực" về các vấn đề trong nước cũng như trong cuộc chiến chống khủng bố.
Năm 1993, Mỹ đã đưa Sudan vào danh sách các nước tài trợ khủng bố và áp đặt lệnh trừng phạt đối với Khartoum kể từ năm 1997, do cuộc xung đột đẫm máu ở khu vực Darfur, Blue Nile và khu vực Nam Kordofan, đồng thời xảy ra tranh chấp vấn đề biên giới với nước láng giềng Nam Sudan, bao gồm khu vực giàu dầu mỏ Abyei.
Theo thống kê của Sudan, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã làm cho quốc gia Trung Phi này thiệt hại hơn 4 tỷ USD mỗi năm./.