Cậu bé Cao Việt Quỳnh khiến nhiều tác giả thành danh bất ngờ khi ra mắt tập đầu tiên trong bộ truyện về “Người sao chổi” (dự kiến kéo dài ba tập) và nung nấu ý tưởng “tạo dựng” một vũ trụ riêng trải rộng trong 10 cuốn sách với những trò chơi, nhân vật giả tưởng…
“Người sao chổi: Cuộc chiến vòng quanh thế giới” kể về hành trình của Thành - một cậu bé có năng lực siêu nhiên cùng các bạn và người dân ở một thị trấn chống lại thế lực hắc ám, giải cứu hành tinh xanh.
Trái với vẻ lém lỉnh, tinh nghịch và hậu đậu bên ngoài, cậu bé 11 tuổi tỏ ra chững chạc, nghiêm túc khi nói đến chuyện văn chương, sáng tác.
“Làm chủ thế giới của mình”
- Ý tưởng viết tiểu thuyết giả tưởng “Người sao chổi: Cuộc chiến vòng quanh thế giới” đến với Việt Quỳnh như thế nào?
Cao Việt Quỳnh: Năm học lớp 2, con vẽ nguệch ngoạc lên giấy một câu chuyện tranh về thế giới loài rồng. Sau đó, con có nhân hóa những chú rồng đó, biến chúng thành những con người, tạo nên một thành phố siêu năng lực. Lấy ý tưởng về thành phố đó làm cơ sở, con nghĩ thêm những tình tiết mới để biến nó trở thành một câu chuyện hoàn chỉnh.
- Người mà Việt Quỳnh chia sẻ ý tưởng của mình đầu tiên là ai?
Cao Việt Quỳnh: Người đầu tiên mà con chia sẻ ý tưởng chính là mẹ. Tuy nhiên, lúc đó, mẹ cũng chỉ coi đó là một thú vui con nít của con mà thôi!
- Quỳnh sinh ra tại Hà Nội và từng sống ở đây khoảng 6 năm trước khi theo gia đình chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh. Ở tiểu thuyết “Người sao chổi: Cuộc chiến vòng quanh thế giới,” nhiều địa danh đã xuất hiện. Thế nhưng, trong số đó, Hà Nội lại không được đề cập. Tại sao vậy?
Cao Việt Quỳnh: Trong quá trình sáng tác, con có đọc, tìm hiểu thông tin, hình ảnh về nhiều khu rừng trên khắp Việt Nam để lựa chọn địa điểm, xây dựng bối cảnh cho câu chuyện (một thành phố trên không). Cuối cùng, con chọn rừng Sác (Cần Giờ) vì nó nằm gần một thành phố hiện đại, phát triển và cũng không cách xa biển. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho “Người sao chổi” Thành và các bạn trong việc di chuyển đến những đất nước khác.
Ngoài ra, rừng Sác cũng là nơi con từng đến nhiều lần và rất ấn tượng về cảnh quan nơi này.
[Theo Người sao chổi - nhân vật 'siêu tưởng' của tiểu thuyết gia nhí]
Con theo gia đình chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh từ khi còn nhỏ nên những ký ức về Hà Nội không rõ ràng. Bởi vậy, nếu phải miêu tả về thành phố này thì cũng là điều khá khó với con. Hơn nữa, ở tập đầu tiên, con cũng chưa có cơ hội dẫn dắt mạch truyện, đưa các nhân vật tới Hà Nội.
- Ở lứa tuổi của Việt Quỳnh, các bạn thường thích chơi điện tử, đọc truyện tranh… hơn là ngồi bên bàn viết. Vậy, tại sao Quỳnh lại thích sáng tác truyện?
Cao Việt Quỳnh: Khi viết truyện, con có thể thỏa sức sáng tạo, phá bỏ mọi ranh giới địa lý bình thường. Con có thể tạo ra một thế giới riêng - một thế giới giả tưởng, hấp dẫn, lý thú và kịch tính. Đặc biệt, người điều khiển thế giới đó cũng như cũng như những nhân vật, tình huống trong đó lại chính là mình. Điều đó rất thú vị!
Sáng tác hàng ngày
- Để hoàn thành một cuốn truyện, Việt Quỳnh sẽ phải nắm rõ được những khái niệm lý thuyết (ví dụ như tiểu thuyết, kết cấu... là gì?). Làm sao để một cậu bé 9 tuổi hiểu rõ được những điều đó khi bắt đầu sáng tác?
Cao Việt Quỳnh: Cách trình bày, sử dụng câu, kết cấu, con học từ những tiểu thuyết đã từng đọc. Những câu chuyện giả tưởng của các tác giả nổi tiếng chính là thứ mà con thích đọc nhất. Con tiếp thu cách khiến cho bạn đọc hồi hộp, cách để mạch truyện không bị nhàm chán từ những cuốn sách đã đọc.
Ngoài ra, mẹ cũng là người nhiệt tình dạy con cách sử dụng câu từ cho đúng.
- Việt Quỳnh có mẹ là một nhà văn nổi tiếng. Điều này có ảnh hưởng gì tới việc sáng tác của con không?
Cao Việt Quỳnh: Trong việc sáng tác, mẹ có ảnh hưởng lớn đến con. Mẹ là người chỉ cho con những cuốn sách nên đọc, mua cho con những cuốn truyện yêu thích, động viên con đọc sách, trao đổi cùng con những suy nghĩ về văn chương.
Khi con được biết mẹ là một nhà văn, con cảm thấy rất là hãnh diện và muốn noi gương mẹ.
- Cuốn sách yêu thích nhất của Việt Quỳnh là cuốn nào?
Cao Việt Quỳnh: Con thích nhất những cuốn sách giả tưởng như “Harry Potter,” “Chúa tể của những chiếc nhẫn”… Ngay từ khi đọc tập đầu tiên trong bộ truyện “Harry Potter”, con đã bị cuốn hút vào thế giới phép thuật giả tưởng này.
Chính những cuốn sách đó đã bổ sung cho con một lượng lớn vốn từ, kiến thức và cách viết truyện, xây dựng nhân vật…
- Mỗi khi “bí” ý tưởng, Việt Quỳnh thường làm thế nào?
Cao Việt Quỳnh: Thông thường, con luôn có nhiều ý tưởng trong đầu. Đôi lúc, khi con vừa viết xong ý tưởng này thì ý tưởng khác đã lại ập đến. Thế nhưng, cũng có lúc bí quá, không biết phải viết gì tiếp, con thường dành thời gian rảnh để suy nghĩ. Ngoài ra, vẽ tranh về những gì có thể xảy ra tiếp theo cũng là một cách con hay dùng.
- Một ngày của Việt Quỳnh thường diễn ra thế nào? Làm sao để con có thể phân bố thời gian hợp lý giữa việc học ở trường, giúp đỡ mẹ việc nhà và viết tiểu thuyết?
Cao Việt Quỳnh: Con thường thức dậy vào lúc 6 giờ, ăn sáng, chuẩn bị quần áo rồi đi học. Trong khoảng thời gian từ 16 giờ 30 (sau khi kết thúc buổi học ở trường), con trở về nhà, giúp đỡ mẹ một số việc nhà, tắm gội rồi ăn cơm tối.
Đến khoảng 20 giờ hàng ngày, con ngồi vào bàn học. Sau khi hoàn thành hết bài tập, con thường dành ra một tiếng để viết tiểu thuyết rồi đi ngủ!
- Việt Quỳnh bền bỉ, miệt mài với việc sáng tác hàng ngày như vậy chắc hẳn bởi con đã có nhiều ý tưởng, dự định?
Cao Việt Quỳnh: Con sẽ hoàn thành bộ truyện “Người sao chổi” với ba tập. Sau đó, con sẽ viết về “Thế giới rồng” (một câu chuyện kì ảo với nhân vật chính là con của Thành - nhân vật chính trong “Người sao chổi”) hay “Thế giới trò chơi.”
Những câu chuyện đó sẽ được kết nối với nhau để tạo nên một vũ trụ rộng lớn.
- Cảm ơn Việt Quỳnh về cuộc trò chuyện!
Tác giả Cao Việt Quỳnh sinh năm 2008 tại Hà Nội. Hiện nay, Việt Quỳnh đang là học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thị Thập (Thành phố Hồ Chí Minh). Nhà văn-nhà báo Nguyễn Quỳnh Trang (mẹ của Việt Quỳnh) chia sẻ: “Khi con bắt đầu viết đề cương tiểu thuyết trên cuốn vở ô ly từ học kỳ hai (lớp 1), tôi đọc và thấy khá thú vị trước sự tưởng tượng của con nhưng chỉ nghĩ đó là thú vui thoáng chốc. Từ năm lớp 2, khi thấy con thực sự say mê với viết truyện, tôi nghĩ điều đó lành mạnh hơn việc gắn chặt với cái máy tính hay điện thoại để chơi game, xem Youtube. Trong sáng tác, con có tư duy rất độc lập và tôi tôn trọng điều đó. Tuy nhiên, việc đi quá sâu vào thế giới giả tưởng qua việc sáng tác tiểu thuyết dễ làm con mất dần kết nối với thế giới thực và sẽ khó khăn trong cuộc sống sau này. Bởi vậy, tôi luôn cố gắng để con cân bằng, sống thoải mái giữa đời thực và nhìn việc viết như thú vui nhẹ nhàng. Tôi nghĩ, việc dạy con về các kỹ năng sống, những hiểu biết tích cực trong các mối quan hệ, cách cư xử với người thân, gia đình hay bạn bè; biết tập trung trong hiện tại, giữ sự tỉnh táo, tư duy rõ ràng, không mơ mộng ảo tưởng ở từng vấn đề; tập thể dục thể thao đều đặn để có kĩ năng vận động và có sức khỏe tốt mới là điều quan trọng. |