Tái cơ cấu hệ thống lương ở Singapore sẽ ảnh hưởng nền kinh tế

Theo IMF, việc tái cơ cấu nền kinh tế Singapore dẫn tới việc nâng mức lương thực tế song điều này sẽ tiếp tục kìm hãm tăng trưởng nước này.
Tái cơ cấu hệ thống lương ở Singapore sẽ ảnh hưởng nền kinh tế ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Kim Yến/Vietnam+)

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc tái cơ cấu nền kinh tế Singapore cộng với các chính sách ưu đãi của chính phủ đang khuyến khích các công ty sử dụng vốn và tăng đầu tư, dẫn tới việc nâng mức lương thực tế.

Song động thái này sẽ tiếp tục kìm hãm sự tăng trưởng, vốn đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm.

IMF dự đoán nền kinh tế Singapore sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân khoảng 2,5%-3% trong năm 2015. Bên cạnh đó, IMF chỉ ra vô số những rủi ro và biến động bên ngoài ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trên. Trong số đó, giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài của các nền kinh tế đã và đang phát triển là rủi ro ngắn hạn.

Thêm vào đó, nỗi lo ngại về việc Hy Lạp vỡ nợ và sẽ ra khỏi Khu vực sử dụng đồng euro gây ảnh hưởng đến thị trường cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu. Ngoài ra, tình trạng tài chính bất ổn, đồng USD liên tục tăng giá, kinh tế phát triển chậm lại và rủi ro tài chính ở Trung Quốc cũng sẽ tác động nhất định đến sự tăng trưởng của Singapore.

Gần đây, Trung Quốc đưa ra những số liệu về doanh số bán lẻ và đầu tư vào tài sản cố định đang ở mức thấp trong nhiều năm qua cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới đang mất đà.

Mức nợ cao của các công ty và hộ gia đình kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ khiến những rủi ro và sự bất ổn của các yếu tố bên ngoài trở nên ngày càng trầm trọng, tác động đến Singapore.

Theo ước tính, nền kinh tế Singapore tăng trưởng ở mức 2,1% trong quý I/2015. Tuy nhiên, Alex Mourmouras, trưởng đoàn IMF vừa đến thăm Singapore, cho rằng nhu cầu nội địa của Singapore trong năm nay sẽ hồi phục nhờ nhu cầu nước ngoài tăng, chi tiêu chính phủ tăng và giá năng lượng giảm.

Những yếu tố kể trên có thể bù đắp sự đình trệ gây ra bởi xu hướng giá bất động sản giảm và lãi suất cao.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều rủi ro, nền kinh tế của “quốc đảo Sư tử” vẫn có những nền tảng vững mạnh, với nguồn dự trữ ngoại tệ và ngân sách đề phòng rủi ro khá cao.

Trong năm 2015, kinh tế Singapore dự báo sẽ không còn lạm phát khi chỉ dao động trong khoảng từ -0,5 đến 0,5%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.