​Tái hiện Tết Độc lập của bà con các dân tộc miền núi tại Thủ đô

Từ ngày 2-6/9, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra chương trình "Vui Tết Độc lập" với nhiều hoạt động phong phú, chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
(Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN)

Từ ngày 2-6/9, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra chương trình Vui Tết Độc lập với nhiều hoạt động phong phú, chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Chương trình này góp phần giới thiệu đến công chúng các tiết mục dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, ẩm thực, các sản vật đặc trưng của địa phương, tạo điều kiện cho bà con các dân tộc giao lưu, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em tại “Ngôi nhà chung” cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, trong chương trình này, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam lần đầu tiên tái hiện Tết Độc lập tại chợ vùng cao vào sáng 2/9.

Từ khắp các bản làng của các dân tộc Mông, Hà Nhì, La Hủ, Mảng, Si La, Mường, Thái… tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, bà con các dân tộc với bộ trang phục đẹp nhất, mang theo các nhạc cụ đặc sắc, nô nức hình thành các đoàn hội tụ về chợ vùng cao, giao lưu, cùng múa Khèn, thưởng thức chung một chảo thắng cố, uống cùng một chum rượu ngô, cùng hát, cùng vui thể hiện sự chung sức, chung lòng, kết đoàn mừng Tết Độc lập của dân tộc.

Tại phiên chợ vùng cao còn giới thiệu, bán các sản vật đặc trưng địa phương như thổ cẩm, nhạc cụ, đồ khô sản vật, rượu, măng, miến dong, rau, củ, quả tươi, chế tác đồ trang sức dân tộc; giới thiệu ẩm thực Tây Bắc là các món ăn như thắng cố, mèn mén, thịt dê, xôi nếp ba màu, gà quay dân tộc, lợn quay, thịt sấy...

Các chương trình dân ca, dân vũ, trò chơi truyền thống dân tộc sẽ diễn ra ở khu vực không gian xung quanh chợ vùng cao.

Cũng trong khuôn khổ chương trình "Vui Tết Độc lập," nhiều nghi lễ, phong tục truyền thống của đồng bào các dân tộc rất ít người ở vùng sâu, vùng xa được tái hiện. Đó là Lễ vào nhà mới của dân tộc Mảng (chiều 3/9); Lễ cúng bản của dân tộc La Hủ (sáng 4/9); Nghi lễ cúng cây Đu trong Tết mùa mưa của dân tộc Hà Nhì (sáng 5/9); Hôn nhân và lễ cưới của dân tộc Si La (sáng 6/9). Đây đều là các nghi lễ lần đầu tiên được tái hiện ở Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam.

Các nghi lễ, phong tục truyền thống thể hiện khát vọng của con người và sự phát triển tốt đẹp, no đủ, nét đặc sắc trong hôn nhân, những tập quán dựng nhà, cúng bản thể hiện sự đổi thay, ấm no của đồng bào, ổn định của bản làng nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm, trên nền tảng văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục