Tai nạn lao động: Còn đó những nỗi đau khôn nguôi

Chỉ vì một phút bất cẩn, lơ là hay chỉ vì sự cố xảy ra ngoài ý muốn đã khiến nhiều nạn nhân bị tai nạn lao động vĩnh viễn ra đi, có người còn sống thì cũng mang thương tật nặng suốt đời.
Tai nạn lao động: Còn đó những nỗi đau khôn nguôi ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Tai nạn lao động, đó là nỗi ám ảnh không chỉ của những nạn nhân bị tai nạn, mà những người thân của họ cũng đau đớn khôn cùng. Chỉ vì một phút bất cẩn, lơ là hay chỉ vì sự cố xảy ra ngoài ý muốn đã khiến nhiều nạn nhân bị tai nạn lao động vĩnh viễn ra đi, có người còn sống thì cũng mang thương tật nặng suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình, người thân và cả xã hội.

Căn nhà nhỏ của gia đình bà Lê Thị Rỉ, ấp Song Vĩnh, xã Tân Phước, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - mẹ của 2 lao động bị tai nạn trong vụ đổ thùng rót phôi thép khiến phôi thép bắn ra ngoài gây bỏng cho công nhân làm việc xung quanh tại Nhà máy thép Pomina 3 vào ngày 11/4/2014, nằm sâu trong con hẻm nhỏ.

Đã gần 1 năm trôi qua sau vụ tai nạn, thế nhưng người mẹ ấy vẫn không thể quên những gì bất ngờ ập xuống gia đình nhỏ của bà.

Trong vụ tai nạn ấy, cả 2 anh em ruột Đoàn Lê Phương và Đoàn Lê Qúy đều bị bỏng nặng. Sau hơn 1 tháng điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, Đoàn Lê Phương (24 tuổi) đã không qua khỏi, Đoàn Lê Qúy bị thương tật 49%.

Sau một thời gian dài điều trị Quý đã trở lại Nhà máy thép Pomina 3 làm việc và được Nhà máy bố trí cho đi học vận hành an toàn.

Quý là một trong số ít những người bị tai nạn lao động còn đi làm trở lại được. Tuy nhiên, di chứng của vụ tai nạn lao động đã khiến đôi bàn tay, bàn chân em bị tróc hết da và trở nên nhăn nheo, tai bị co dúm lại.

Mất mát đối với gia đình bà Rỉ khi 2 người con đều bị tai nạn lao động một lúc khiến bà không dám tin vào sự thật.

Hơn 1 tháng trời chăm sóc 2 đứa con trai bị bỏng trên bệnh viện Chợ Rẫy bà cứ cầu trời, khấn phật mong cho 2 đứa con của mình tai qua nạn khỏi.

Bà kể rằng, nằm điều trị cả bà và người con trai Đoàn Lê Phương cứ nghĩ sẽ khỏi và được về nhà, nhưng người mẹ ấy không thể ngờ, Phương trở nặng và không qua khỏi.

Thắp cho con nén nhang bà Rỉ dàn dụa nước mắt, nghẹn ngào kể: “Từ khi con mất, tôi không dám lên nhà trên, không dám nhìn hình của con. Nhìn thấy hình nó tôi đau lòng và nghĩ đến lời con dặn tôi mua nạng, mua dép để về nhà tập đi vì nghĩ mình thế nào cũng qua khỏi.”

Gặp anh Nguyễn Duy Khanh (32 tuổi) công nhân Công ty Posco Việt Nam, ngụ ấp Phước Lộc, xã Tân Phước, huyện Tân Thành không khỏi xót xa, thương cảm cho anh.

Anh lại là lao động chính trong gia đình nhỏ có vợ và một con trai của mình, giờ đây anh lại là người tàn phế suốt đời, với thương tật đến 98%.

Chị Ngô Thị Phương Uyên- vợ anh Khanh nhớ lại, cách đây đúng gần 1 năm 23/3/2014, sự cố từ tai nạn bất ngờ khiến anh Khanh và 1 đồng nghiệp bị bỏng bột ôxít sắt nặng.

Người kia sau 3 ngày điều trị đã mất, chỉ còn anh Khanh là chồng chị thì trở thành tàn phế suốt đời.

Riêng anh Khanh sau gần một năm điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy sức khỏe của anh rất yếu, toàn bộ phần da từ chân đến cổ đều bị cháy hết, việc đi lại và sinh hoạt hàng ngày rất khó khăn.

Từ ăn uống đến vệ sinh anh đều phải nhờ đến bàn tay chăm sóc của vợ. Hàng tháng chị Uyên vẫn phải lên bệnh viện trên Thành phố Hồ Chí Minh lấy thuốc về cho anh điều trị.

Rưng rưng những giọt nước mắt, chị Uyên tâm sự, anh bị tai nạn cuộc sống của gia đình chị chuyển sang một ngã rẽ đầy bi kịch. Mất đi trụ cột chính trong nhà, cuộc sống gia đình chị hết sức khó khăn.

Chồng bệnh tật, con trai còn nhỏ nên chị phải nghỉ việc ở nhà để chăm sóc chồng con. Hiện nay, hàng tháng gia đình nhỏ này chỉ trông chờ vào đồng lương hưu theo chế độ bảo hiểm của anh Khanh và chế độ cho người nuôi là 3 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Phi Hùng - Phó trưởng Phòng Chính sách Lao động - Việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự cố cháy nổ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, tuy đã ra khỏi tốp 10 tỉnh thành trong cả nước có số vụ tai nạn lao động xảy ra cao, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ còn tiếp tục xảy ra.

Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn lao động là do doanh nghiệp chưa áp dụng các biện pháp an toàn và người lao động chưa thực hiện đầy đủ các quy trình, biện pháp an toàn khi làm việc.

Riêng trong năm 2014 toàn tỉnh đã xảy ra 385 vụ tai nạn lao động, làm 398 người bị thương và 10 người tử vong. So với năm 2013, tăng cả về số vụ lẫn số người bị thương, giảm số người chết (năm 2013 xảy ra 241 vụ tai nạn lao động, làm 250 người bị thương, 11 người tử vong, trong đó có 9 vụ đặc biệt nghiêm trọng gây chết người).

Để hạn chế các vụ tai nạn lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động nhằm nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động.

Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ ở tất cả các cơ quan, doanh nghiệp.

Trong đó, đặc biệt tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các lĩnh vực xây dựng, lắp đặt-sửa chữa-sử dụng điện, khai thác đá và sử dụng vật liệu công nghiệp, sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục