Việc gia hạn Hiệp ước Élysée nằm trong chương trình nghị sự Pháp-Đức năm 2018. Tại sao cần có một văn bản mới của hiệp ước này? Đơn giản bởi vì nó bắt nguồn từ Chiến tranh Lạnh, khi còn có 2 nước Đức và sự hội nhập châu Âu chỉ mới được bắt đầu.
Hiệp ước này đã thể chế hóa sự hợp tác song phương và lập ra Cơ quan Pháp-Đức về thanh niên, công cụ chính cho sự hòa giải Pháp-Đức. Bối cảnh châu Âu và quốc tế năm 2018 khác hoàn toàn với bối cảnh cách đây 55 năm.
Do đó, hai nước đều mong muốn dựa trên các mối quan hệ Pháp-Đức hiệu quả hơn và có khả năng huy động toàn bộ nguồn lực sẵn có để vượt qua các thách thức của châu Âu, vốn có quy mô rất lớn trong hầu hết các lĩnh vực.
Một hiệp ước mới sẽ mang lại một giá trị gia tăng cho quan hệ Pháp-Đức và châu Âu nếu như nó đi xa hơn hiệp ước hiện nay.
Chúng ta hãy tránh đặt cho nó quá nhiều trọng trách, với một bản liệt kê các dự án riêng biệt và các tuyên bố ý định, và cần biết rằng nó sẽ không thay thế được một cương lĩnh chính trị có sức thuyết phục.
Tuy nhiên, một hiệp ước có thể thiết lập một sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả và chiến lược của hai nước ở châu Âu, nó cũng sẽ kết nối các chính phủ tương lai của Pháp và Đức.
Những người biên soạn văn bản mới này cần phải xem xét 3 khía cạnh.
Thứ nhất, hiệp ước cần phải truyền tải rõ ràng một thông điệp ủng hộ châu Âu, cho phép liên kết các mục tiêu về tăng cường hợp tác và hội nhập cũng như kết hợp chặt chẽ về dài hạn tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Thứ hai, nó cần phải xác định các biện pháp cụ thể để tăng cường các thủ tục và các thiết chế song phương.
Thứ ba, nó cần phải đưa ra những phương hướng để biến sự hợp tác song phương thành nơi thử nghiệm cho sự hội nhập châu Âu.
Thông điệp chính của hiệp ước cần phải là một cam kết rõ ràng ủng hộ sự hội nhập châu Âu
Phần mở đầu - hay tất cả những phần khác - cần hàm chứa một cam kết kiên quyết ủng hộ một sự hội nhập châu Âu trong tổng thể của nó, và nhấn mạnh rằng hợp tác về châu Âu là trách nhiệm chung.
Cũng cần phải giải thích một cách thuyết phục lý do tại sao sự hợp tác chung giữa các quốc gia châu Âu trong EU là điều không thể tránh né.
[Châu Âu cần đầu tư hàng trăm tỷ euro để đảm bảo tăng trưởng]
Ngoài ra, Berlin và Paris cần phải lưu ý rằng họ dành ưu tiên cho một sự hội nhập khu biệt thận trọng, và khẳng định niềm tin của họ rằng các mục tiêu tăng cường hợp tác trong EU và sự gắn kết của 27 quốc gia thành viên không hề mâu thuẫn với nhau.
Sự hợp tác Pháp-Đức cần phải khẳng định mạnh mẽ tham vọng của nó là một yếu tố năng động cho sự gắn kết trong nội bộ, một động lực và là một nơi thử nghiệm về sự đổi mới, đối với EU.
Sự hợp tác này có vai trò chủ yếu trong việc giải quyết nhiều nhược điểm và những cuộc khủng hoảng gắn liền với EU, và do tầm quan trọng ngày càng tăng của 2 nước đối với sự thành công của chính sách châu Âu, và sau cùng, bởi vì 2 nước phụ thuộc vào sự thành công của Liên minh châu Âu.
Chúng ta hãy dùng nó để trả lời cho những hoài nghi của các công dân và cho những câu hỏi về những mục tiêu và tương lai của EU.
Quan hệ song phương đặc biệt giữa Pháp và Đức cần phải được duy trì và phát triển. Kinh nghiệm được chia sẻ về sự hợp tác và tham gia của 2 nước, trong tất cả các lĩnh vực hội nhập và hành động ở châu Âu, có tầm quan trọng chủ yếu đối với toàn bộ EU.
Tuy nhiên, hai nước hiện nay bị phụ thuộc vào một sự hợp tác với các bên thứ 3 nếu như họ muốn đạt được mục tiêu kép của họ về tăng cường hợp tác và sự gắn kết mục tiêu này càng cần thiết hơn so với những thập kỷ mà cộng đồng châu Âu bị đóng khung ở Tây Âu.
Cần phải tính tới điều đó trong hiệp ước mới, mong rằng phương diện này không phải là một khía cạnh thuần túy mang tính biểu tượng mà đi kèm theo là một sự đề xuất hành động cụ thể.
Tăng cường những tiến trình song phương
Những thiết chế và tiến trình song phương cần phải được tăng cường để có độ tin cậy, kết quả và hiệu quả hơn trong dài hạn. Hiệp ước mới có thể có giá trị gia tăng thực sự và cụ thể, và vượt qua tính biểu tượng.
Không một ai không biết rằng một số thiết chế Pháp-Đức hiện nay (Hội đồng bộ trưởng, các hội đồng chuyên đề, các khuôn khổ không chính thức như Blaesheim...), không hoàn thành hoặc không thích hợp với các chức năng của chúng.
Hiện tượng này cùng với việc không có những sáng kiến song phương rõ rệt cho châu Âu, gây phương hại cho tính chính đáng của quan hệ đặc biệt giữa hai nước, đặc biệt trong mắt các công dân. Các mục tiêu và những kết quả của hợp tác Pháp-Đức cần phải cụ thể và rõ ràng hơn.
Các chính phủ cần phải cam kết thường xuyên thiết lập sự hợp tác song phương đối với các chương trình lâu dài và kết hợp các mục tiêu chiến lược: các sứ mệnh trong phạm vi thuần túy song phương (hợp tác xuyên biên giới, hợp tác các vùng…), cũng như và đặc biệt là những sứ mệnh trong phạm vi châu Âu (khu vực và liên khu vực).
Sự hợp tác này sẽ đáng tin cậy hơn khi các chính phủ cam kết thường xuyên thông tin cho nghị viện của họ về việc thực hiện các chương trình.
Điều bức thiết là phải xác định những nghĩa vụ chung để các thành viên chính phủ Pháp và Đức, hay những đại diện của họ, cùng báo cáo trước các quốc hội Đức và Pháp.
Điều đó sẽ khuyến khích các chính phủ và các cơ quan hành pháp của họ thực hiện các chương trình một cách hiệu quả, đồng thời cho thấy rõ hơn tương lai của sự hợp tác song phương và những kết quả của sự hợp tác này. Từ đó, tính chính đáng của mối quan hệ Pháp-Đức được củng cố hơn nữa để trở thành" đầu tàu của sự hội nhập châu Âu."
Mặt khác, tất cả các hình thức hợp tác sẽ phải được đánh giá thường xuyên để thấy rõ ích lợi của chúng, với mục tiêu tăng cường sự hợp tác truyền thống.
Những hình thức và thiết chế hợp tác không tạo ra được những kết quả mong muốn thì cần phải được cải cách hoặc loại bỏ.
Sau cùng, hiệp ước cần phải là một phương tiện để mở ra cho quan hệ Pháp-Đức với các bên thứ ba mà không đặt lại thành vấn đề tính chất đặc thù của nó. Có thể nó sẽ mang hình thức của một cam kết tự nguyện liên kết các đối tác khác với việc xác định các chương trình hợp tác song phương lâu dài vì châu Âu.
Một phòng thí nghiệm về sự đồng nhất cho hội nhập châu Âu
Mặc dù hiệp ước không thể là "một hộp dụng cụ" để giải quyết các vấn đề hiện tại và tương lai của hội nhập châu Âu, nhưng nó sẽ tham gia sự phát triển của các nền tảng chung Pháp-Đức trong các lĩnh vực cốt yếu.
Điều thách thức là phát triển các cách tiếp cận - và khi cần thiết là các quy chế - về pháp lý và các chính sách chung trong các lĩnh vực vẫn thuộc về trách nhiệm quốc gia, hay trong đó, sự hội nhập ở cấp độ châu Âu không tiến triển.
Một cách lý tưởng, điều đó sẽ có hiệu ứng tích cực trong các quốc gia thành viên khác, và sẽ tạo ra một động lực hội nhập châu Âu trong một số lĩnh vực. Và cho dù không phải như vậy, Pháp và Đức sẽ lợi dụng được sự kết hợp này nhờ có những quan hệ tốt và sự hiệp đồng.
Dù sao chăng nữa, hai nước sẽ chứng tỏ lợi ích trực tiếp từ một sự hợp tác ngày càng gắn bó trong các lĩnh vực mà lợi ích sẽ xuất hiện rõ ràng trước công chúng.
Hiệp ước cần phải nêu ra nhiều lĩnh vực chính yếu, trong đó, hai nước sẽ quyết định hợp tác ngày càng chặt chẽ cho đến khi kết hợp được hệ thống quy chế và pháp lý quốc gia (các phòng thí nghiệm về sự đồng nhất).
[Pháp, Đức gần đạt được thỏa thuận về cải cách khu vực Eurozone]
Như vậy, hai nước có thể dự kiến một không gian kinh tế Pháp-Đức với một sự kết hợp dần dần và bền vững của các chính sách thuế quan, ngân sách và thị trường lao động, điều này giúp ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh và mở đường cho sự cạnh tranh kích thích phát triển.
Một khả năng khác là thiết lập một không gian pháp lý Pháp-Đức với một sự đồng nhất các trật tự pháp lý quốc gia.
Cũng cần nhanh chóng xác định một chính sách quốc phòng, an ninh và đối ngoại chung thực sự, nghiêm chỉnh xây dựng các chiến lược chung đối với các lãnh thổ khác và khi cần thiết là đối với các chủ thể lớn (châu Phi, Nga, Trung Quốc, Mỹ) cũng như đối với các lĩnh vực như các làn sóng di cư.
Sự hợp tác trong lĩnh vực quân sự cần thể hiện tính chất song phương rõ ràng hơn là quốc gia, cũng như việc tài trợ nó, và xác định đường lối chỉ đạo chung về xuất khẩu vũ khí.
Các quốc gia không được hành động đơn phương trong lĩnh vực chính sách đối nội và đối ngoại - tùy theo các hành động dự kiến, ít nhất họ cần phải tham khảo đối tác của mình và trong tất cả khả năng có thể, cần phải phối hợp hành động.
Nhiều chủ đề khác gắn với chính sách đối nội và đối ngoại được xem xét là: giáo dục và giảng dạy, chính sách xã hội, khí hậu, năng lượng, cơ sở hạ tầng và giao thông; sự kết hợp và sự đồng nhất là điều khả dĩ trong nhiều lĩnh vực giữa Pháp và Đức.
Các phòng thí nghiệm về sự đồng nhất Pháp-Đức sẽ chỉ có thể vận hành được nếu quyết tâm cùng xác định các chiến lược và các mục tiêu đi đôi với quyết tâm thực hiện các biện pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu và chiến lược chung này. Tăng cường hợp tác ở tầm khu vực trong một số lĩnh vực là điều cần thiết.
Ngoài ra, sự hợp tác và những kết hợp này còn có thể đóng góp một cách hiệu quả cho một sự gắn kết chặt chẽ hơn bên trong EU, vốn là một trong hai mục tiêu chính của chính sách châu Âu trong tương lai. Vì vậy, hiệp ước cần phải dành một vị trí đặc biệt cho sự hợp tác khu vực và dự kiến một sự hỗ trợ tài chính ở tầm quốc gia.
Một hiệp ước chỉ có thể xác định mục tiêu, các lĩnh vực hành động và những tham vọng lớn của các phòng thí nghiệm này. Chúng ta hoàn toàn cần tới các thiết chế và tiến trình song phương được củng cố thêm về tính chính đáng, khả năng hành động và tính lâu dài của chúng để các phòng thí nghiệm về sự đồng nhất vận hành một cách đáng tin cậy, hướng đến các kết quả và làm sao để công chúng có thể nhận thấy.
Việc hai nước nhất trí dành ưu tiên cho hai mục tiêu hội nhập khu biệt và gắn kết trong EU sẽ tạo nên cách tiếp cận chung về châu Âu và cũng sẽ ràng buộc các chính phủ sau này ở Paris và ở Berlin.
Một hiệp ước Pháp-Đức tiếp tục theo các nguyên tắc này sẽ góp phần hiện đại hóa các quan hệ giữa 2 nước. Và đây là một điều kiện để Berlin và Paris đảm nhận trách nhiệm lớn lao của mình đối với tương lai của EU./.