Tại sao Trung Quốc cảnh giác khi được “tâng bốc” sẽ vượt Mỹ?

Báo cáo của CEBR dự báo một cách táo bạo rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028. Dự báo này rút ngắn 5 năm so với dự báo mà chính CEBR từng đưa ra trước đó.
Tại sao Trung Quốc cảnh giác khi được “tâng bốc” sẽ vượt Mỹ? ảnh 1Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất xe tải hạng nặng của Tập đoàn sản xuất ô tô Thiểm Tây, Trung Quốc ngày 23/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo Liên hợp Buổi sáng, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) của Anh mới đây đã công bố một bản báo cáo khiến dư luận Trung Quốc rất lo lắng.

Báo cáo này dự báo một cách táo bạo rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028. Dự báo này rút ngắn 5 năm so với dự báo mà chính CEBR từng đưa ra trước đó.

Theo ước tính, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 của Trung Quốc sẽ đạt 5,7%, giai đoạn 2026-2030 khoảng 4,5%, trong khi tốc độ tăng trưởng bình quân của Mỹ trong 2 giai đoạn này lần lượt là 1,9% và 1,6%.

Báo cáo trên nhấn mạnh rằng với biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trong giai đoạn đầu, Trung Quốc đã kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, trong khi tăng trưởng kinh tế dài hạn của phương Tây bị tác động mạnh trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, đồng nghĩa với việc hiệu quả kinh tế tương đối của Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể.

Theo báo cáo, trong một thời gian dài, chủ đề quan trọng nhất của kinh tế toàn cầu luôn là cuộc đọ sức kinh tế và quyền lực mềm giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng dịch COVID-19 và hậu quả kinh tế tướng ứng chắc chắc làm cho tình hình cạnh tranh bắt đầu thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Thật trùng hợp, một tổ chức nghiên cứu của Nhật Bản cũng đưa ra dự báo tương tự. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) thông qua dự báo trung hạn đối với 15 nền kinh tế châu Á đưa ra kết luận rằng năm 2028, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ.

Năm 2019, tổ chức này từng dự đoán ít nhất Trung Quốc phải đợi đến năm 2036 mới có thể thay thế Mỹ, trở thành “lão đại” GDP toàn cầu, nhưng lần này đã rút ngắn 8 năm về thời điểm Trung Quốc vượt qua Mỹ. 

[Chủ tịch Trung Quốc nêu bật thành tựu chống dịch, phục hồi kinh tế]

Những tổ chức này dường như đưa ra đánh giá thống nhất về sức mạnh kinh tế Mỹ và Trung Quốc thời kỳ hậu dịch bệnh, đồng thời trùng hợp với câu cảm thán của Thomas Friedman, phụ trách chuyên mục đối ngoại của tờ The New York Times, trong một bài bình luận đăng vào tháng 10/2020: "Dịch COVID-19 vốn là thảm họa Chernobyl của Trung Quốc, nhưng kết quả xem ra giống Waterloo của phương Tây hơn."

Trước đó, truyền thông phương Tây liên tục đưa tin kinh tế Trung Quốc có thể vượt Mỹ sớm hơn dự kiến, nhưng đối diện với “thời đại Trung Quốc” đang đến nhanh, dư luận Trung Quốc không cao giọng tự mãn, đồng thời cũng không thể hiện sự phấn khích, mà xử lý thông tin một cách dè dặt, thậm chí có chút đề phòng.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu bình luận rằng khi nghe tin Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ sau 8 năm nữa, phản ứng đầu tiên của rất nhiều người Trung Quốc là cảnh giác đối với sự “tâng bốc.”

Thời báo này cho rằng báo cáo của CEBR có ý cảnh báo Mỹ và phương Tây về sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc, muốn kích thích, khuyến khích Mỹ và xã hội phương Tây hành động. Đồng thời, báo trên còn cảnh báo các giới không nên bị đánh lừa bởi dự báo của phương Tây về việc GDP của Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt qua Mỹ, duy trì sự khiêm tốn và thận trọng về chiến lược là điều rất quan trọng, tránh để xảy ra đối đầu chiến lược mang tính quyết chiến giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, mở đầu năm 2020 rất tồi tệ, dịch bệnh từ Hồ Bắc lan rộng khiến cả nước hoảng loạn. Việc phong tỏa thành phố, đường sá quy mô lớn khiến cho toàn bộ nền kinh tế đình trệ, cách xử lý dịch bệnh của chính phủ cũng gặp phải sự hoài nghi mạnh mẽ, thậm chí có người cho rằng dịch COVID-19 có thể gây nên một cuộc khủng hoảng chính trị cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc áp dụng các biện pháp đầy tranh cãi để kiểm soát dịch bệnh thành công, trong khi đến nay Mỹ và châu Âu vẫn đang loay hoay trong hỗn loạn. Không những vậy, Trung Quốc vẫn căn cứ vào nhịp điệu đã xác định, thực hiện tốt quy hoạch 5 năm trong tương lai, thậm chí còn tính đến mục tiêu tầm nhìn năm 2035.

Do Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh tốt hơn các nước phương Tây, nền kinh tế Trung Quốc nhanh chóng vượt qua Mỹ so với các dự báo trước đó là sự thực khách quan, việc hai nền kinh tế lớn thay đổi vị trí cho nhau chỉ là vấn đề thời gian.

Tại sao Trung Quốc cảnh giác khi được “tâng bốc” sẽ vượt Mỹ? ảnh 2 Cờ Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ảnh minh hoạ. (Nguồn: AFP)

Khi thời điểm này đến, Trung Quốc và Mỹ chỉ tương đương nhau về quy mô kinh tế cũng sẽ không làm thay đổi ngay lập tức cục diện địa chính trị thế giới. Tuy nhiên, quy mô kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ sẽ là một bước ngoặt tâm lý rất tinh tế đối với thế giới phương Tây và Trung Quốc.

Từ góc độ phương Tây, điều này đồng nghĩa với việc trật tự thế giới mà trong đó các nước phương Tây có được vị trí vững mạnh trong một thời gian dài có thể sẽ bị phá vỡ bởi một quốc gia có ý thức hệ hoàn toàn khác và kéo theo đó sẽ xảy ra nhiều bất trắc hơn.

Trung Quốc cũng sẽ lo lắng về quan ngại của thế giới phương Tây đối với ngày này, nguyên nhân sâu xa là lo lắng bị thế giới phương Tây bao vây và phong tỏa, rơi vào cục diện bị trù dập. Đặc biệt là sau khi Biden lên cầm quyền có thể phối hợp với các nước đồng minh xây dựng liên minh chống Trung Quốc, điều này càng khiến cho Bắc Kinh cảm thấy lo lắng hơn.

Chính vì vậy, khi các tổ chức của phương Tây dự báo Trung Quốc tăng tốc bắt kịp Mỹ, thì dư luận Trung Quốc hết sức cảnh giác và cho rằng đây là chiếc bẫy giăng ra đối với Trung Quốc, đồng thời lo lắng điều này sẽ bị giải nghĩa là “thuyết về mối đe dọa Trung Quốc,” trở thành căn cứ để phương Tây trù đập Trung Quốc.

Tuy nhiên, một Trung Quốc đứng ở trung tâm vũ đài chính trị quốc tế quả thực rất khó né tránh ánh đèn sân khấu, và ban lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc cũng đã nhận thức được vấn đề này.

Hội nghị trung ương 5 khóa XIX diễn ra vào cuối tháng 10/2020 đã nhận định “tương quan sức mạnh quốc tế đang có sự điều chỉnh sâu sắc”. Nói một cách thẳng thắn là Trung Quốc đã thu hẹp đáng kể chênh lệch sức mạnh với "gã khổng lồ" đứng đầu thế giới Mỹ.

Một thế giới mà chênh lệch sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc thu hẹp sẽ là cục diện như thế nào? Trung Quốc phải hóa giải lo lắng của thế giới bên ngoài như thế nào? Thế giới phương Tây muốn đối diện ra sao với Trung Quốc sắp sánh ngang hàng với Mỹ? Trải qua dịch bệnh lần này, thời gian thích ứng của các bên đã ngày càng ngắn lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.