Tấm lòng son sắt của cán bộ và nhân dân Cà Mau với Bác Hồ

Năm 1973, phủ thờ đầu tiên ở tỉnh Cà Mau mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời tại xã Trí Phải (nay là xã Trí Lực) huyện Thới Bình, đã thể hiện lòng son sắt của cán bộ, nhân dân Cà Mau đối với Bác Hồ.
Tấm lòng son sắt của cán bộ và nhân dân Cà Mau với Bác Hồ ảnh 1Phủ thờ Bác Hồ ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. (Nguồn: camau.gov.vn)

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù bị máy bay B52 của Mỹ ném bom ngày đêm nhưng cán bộ và nhân dân Cà Mau vẫn không ngại khó khăn, gian khổ để tham gia xây dựng cho bằng được phủ thờ Bác Hồ.

Năm 1973, phủ thờ đầu tiên ở tỉnh Cà Mau mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời tại xã Trí Phải (nay là xã Trí Lực) huyện Thới Bình, đã thể hiện tình cảm, lòng son sắt của cán bộ, nhân dân Cà Mau đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc - Người mang đến ấm no, hạnh phúc cho toàn dân tộc Việt Nam.

Sau khi Bác Hồ mất, nhiều cán bộ và nhân dân Cà Mau vì thương nhớ Bác, nhưng chưa có được cơ hội ra Bắc thăm viếng nên có sáng kiến xây dựng phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh để thắp hương thờ cúng và báo công dâng lên Bác.

Bồi hồi nhớ lại thời gian xây dựng phủ thờ Bác Hồ cách đây 38 năm, ông Nguyễn Văn Tân, ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, kể: "Hồi đó có ông Bí thư Huyện đoàn vào đây tham gia cùng với dân xây dựng phủ thờ. Thời điểm Bác mất, ở đây chiến tranh còn ác liệt lắm. Bất chấp bom đạn và những trận càn quét của Mỹ-Ngụy, tất cả cán bộ, nhân dân ở vùng căn cứ kháng chiến một lòng vượt qua khó khăn, hy sinh, gian khổ để xây dựng hoàn thành phủ thờ Bác."

Trong chiến tranh, phủ thờ Bác Hồ ở xã Trí Lực được xây dựng bằng cây lá thì đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, phủ thờ được đầu tư xây dựng khang trang thể hiện sự trang nghiêm nơi thờ cúng.

Khuôn viên rộng thoáng có hàng rào bảo vệ chắc chắn, có ao cá, vườn hoa kiểng, nhà trưng bày truyền thống với nhiều hình ảnh tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Bùi Văn Phấn, người được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Trí Lực, cho biết năm 1995, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã ươm chiết cây từ hạt của cây vú sữa miền Nam do chính tay Bác Hồ trồng, chăm sóc để tặng lại cho Đảng bộ, nhân dân huyện Thới Bình. Cây vú sữa con ấy được đem trồng cạnh ngay phủ thờ Bác Hồ tại xã Trí Lực.

Ngày 26/3/1996, phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Trí Lực được Ủy ban Nhân dân tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau) công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh. Vào những ngày truyền thống, lễ kỷ niệm của đất nước, rất đông cán bộ , nhân dân trong và ngoài tỉnh đến đây thành kính dâng hoa, thắp hương viếng Bác. Đây là nơi tham gia sinh hoạt chính trị, văn hóa của cán bộ, nhân dân địa phương; giáo dục các thế hệ học sinh, con cháu hiểu biết sâu sắc về những giá trị truyền thống lịch sử của đất nước.

Thầy giáo Trần Văn Trọn, Trường trung học cơ sở Trí Phải Tây, xã Trí Lực, tự hào thầy và trò nhà trường rất tự hào về quê hương có phủ thờ Bác được xây dựng đầu tiên trong địa bàn tỉnh Cà Mau. Để giáo dục các thế hệ học sinh của trường, Chi đoàn nhà trường đăng ký với Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã Trí Lực nhận phần việc cho các em tham gia chăm sóc, vệ sinh sạch đẹp trong khuôn viên phủ thờ Bác.

Trong các ngày lễ lớn, chi đoàn nhà trường còn tổ chức cho học sinh đến thắp hương viếng Bác và báo cáo kết quả học tập, rèn luyện với Bác. Hàng tuần, hàng tháng các em học sinh thường xuyên đến khu vực di tích phủ thờ Bác sinh hoạt ngoại khóa.

Những hoạt động tuyên truyền giáo dục có ý nghĩa, đã giúp các em có kiến thức, hiểu biết sâu sắc về việc giữ gìn di tích lịch sử trên địa bàn, cũng như ý thức được trách nhiệm của mình là phải cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.

Các gia đình ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau còn lập bàn thờ hoặc treo ảnh Bác trong nhà. Tuy mỗi gia đình đều thờ ảnh Bác với ý tưởng, cách trang trí khác nhau, nhưng tất cả đều thể hiện tình cảm, lòng yêu thương, kính trọng đối với Bác Hồ.

Ông Phạm Văn Hoàng (ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình) bộc bạch: "Gia đình tôi lập bàn thờ Bác đã có hơn 30 năm rồi. Sinh sống trên mảnh đất có phủ thờ Bác, gia đình tôi và tất cả các hộ dân nơi đây đều rất tự hào, trân trọng, luôn thể hiện lòng tôn kính Bác. Vì vậy, sau khi địa phương phát động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đông đảo cán bộ, nhân dân trên địa bàn xã nhiệt tình hưởng ứng. Mỗi gia đình ở đây phấn đấu làm theo Bác từ những việc làm nhỏ nhất, tăng gia lao động sản xuất, chấp hành tốt chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước."

Ngày nay, trên quê hương xã Trí Lực, nơi xây dựng phủ thờ Bác Hồ đầu tiên ở tỉnh Cà Mau đã có nhiều khởi sắc, hạ tầng cơ sở, giao thông nông thôn phát triển khá toàn diện.

Đặc biệt xã đã đầu tư xây dựng trên 110km đường giao thông nông thôn liên xã, liên ấp, xe ôtô chạy từ tỉnh, huyện về đến trung tâm xã. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 29 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 1,27%.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Trí Lực Nguyễn Minh Khai, Đảng bộ và nhân dân xã đang tập trung khai thác thế mạnh kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp-thủy sản để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để Trí Lực sớm được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục