Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU vẫn ghi nhận sự tăng trưởng liên tục ở cả góc độ xuất khẩu và nhập khẩu.
Hơn nữa, EU là một thị trường truyền thống của Việt Nam, qua 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) một số thị trường ngách khác cũng đã bắt đầu được quan tâm qua số liệu cấp giấy chứng nhận xuất xứ.
Điều này cho thấy doanh nghiệp đã bắt đầu tận dụng lợi thế và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường ngách tại khu vực EU.
[Dư địa thị trường EU rất lớn, doanh nghiệp vẫn vướng quy tắc xuất xứ]
Thống kê cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sau 2 năm đầu tiên thực thi Hiệp định EVFTA đạt 83,4 tỷ USD, tức trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn tới 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm của giai đoạn 2016-2019 trước đó.
Riêng 11 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang EU ước đạt 43,5 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ 2021.
Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết trong 2 năm đầu thực thi Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp được lựa chọn giữa cơ chế ưu đãi phổ cập (GSP) và thuế theo cam kết EVFTA.
Vì vậy, khi lựa chọn mức thuế nào, doanh nghiệp sẽ áp dụng cơ chế về quy tắc xuất xứ đối với loại hình đó.
Thế nhưng, kể từ ngày 1/1/2023 chỉ áp dụng 1 cơ chế - cụ thể là theo cơ chế quy tắc xuất xứ theo EVFTA, có nghĩa là hiện nay đang áp dụng là cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu C/O form EUR.1.
Tuy nhiên, về mức thuế vẫn được phép lựa chọn. Nghĩa là trong vòng 5 năm tiếp theo vẫn được phép lựa chọn mức thuế nào ưu đãi hơn để sử dụng nhưng cơ chế về quy tắc xuất xứ theo Hiệp định EVFTA và không áp dụng theo cơ chế GPS.
Nhận định từ các chuyên gia, EU là một thị trường tiềm năng và hàng hoá giữa Việt Nam-EU cũng có tính bổ sung. Chính vì vậy, đây là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường này.
Đáng lưu ý, dù tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang EU khá tích cực sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA nhưng hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng nhu cầu nhập khẩu mỗi năm của thị trường 27 nước thành viên EU.
Một số mặt hàng thế mạnh như rau quả chưa chiếm đến 4%, thủy sản 8%, xuất khẩu gạo vào EU vẫn rất thấp. Hơn nữa, rất ít hàng hóa được xuất khẩu với thương hiệu Việt vào thị trường này.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua hơn 2 năm thực thi EVFTA, so với nhiều FTA khác, EVFTA đã mang lại cơ hội rất sớm, rất đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, EVFTA còn mở ra cơ hội để Việt Nam giao thương với 27 đối tác của EU, đây là những lợi ích hoàn toàn mới.
Đặc biệt, khảo sát của VCCI còn cho thấy có tới 90/100 doanh nghiệp cho biết đã từng biết đến EVFTA ở các mức độ khác nhau. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số tất cả các FTA đã có từ trước đến nay.
Hơn nữa, doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm sâu hơn, tìm hiểu về những cam kết có liên quan đến hoạt động kinh doanh có thể tận dụng được hoặc có thể chuẩn bị cho những thách thức có liên quan đến hiệp định này.
Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA nói riêng và các FTA nói chung trong đẩy mạnh giao thương, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp cần thay đổi nhằm phù hợp, sẵn sàng cho những yêu cầu mới của thị trường EU.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần tăng năng lực cạnh tranh dựa trên chất lượng, thương hiệu, mẫu mã và những yếu tố khác đang có lợi thế nhờ EVFTA.
Việc này sẽ tạo đà cho doanh nghiệp phát triển trong lâu dài, giữ ổn định thị trường. Cùng đó, doanh nghiệp đáp ứng tốt các yêu cầu từ thị trường EU cũng đồng nghĩa với việc có thể lan tỏa ra những thị trường khác.
Nhằm tận dụng được những ưu đãi cũng như những điều kiện bắt buộc của EVFTA từ đầu năm tới, bà Nguyễn Cẩm Trang khuyến cáo doanh nghiệp cần hiểu rõ Hiệp định EVFTA và nắm bắt các quy định, bao gồm cả những quyết định liên quan đến quy tắc xuất xứ.
Ngoài ra, theo dõi lộ trình cam kết của các mặt hàng để tìm được cơ chế ưu đãi tốt nhất để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường EU cũng như xuất khẩu sang các thị trường ngách lân cận./.