Tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do

Các chuyên gia cho rằng cần có giải pháp để hỗ trợ MSMEs trang bị kiến thức và kỹ năng về sử dụng FTA, qua đó giúp họ tiếp cận tốt hơn với thị trường khu vực và toàn cầu.
Tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do ảnh 1Tiến sỹ Raijan Sudesh Ratna, Chuyên gia Ủy ban Kinh tế-Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc, phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Tìm kiếm giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tận dụng tốt các ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) là nội dung chính được các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo APEC về xây dựng năng lực cho MSMEs tận dụng FTA do Bộ Công Thương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 7/6.

Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên - Bộ Công Thương, cho biết MSMEs chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp và sử dụng hơn một nửa lực lượng lao động trong các nền kinh tế của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

MSMEs có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, với tỷ lệ đóng góp từ 20-50% GDP ở phần lớn các nền kinh tế thành viên APEC. Có thể nói MSMEs là những động cơ phát triển và đổi mới trong khu vực APEC.

Tuy nhiên, chỉ có một tỷ lệ giới hạn các MSMEs tham gia vào các hoạt động thương mại ở nước ngoài do nhận thức hạn chế trong việc tận dụng các FTA để tích hợp hiệu quả vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

[Loại bỏ những rào cản để doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng tốt hơn]

Tiến sỹ Raijan Sudesh Ratna, Chuyên gia Ủy ban Kinh tế-Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP), thông tin tính tới tháng 5/2018, khu vực châu Á-Thái Bình Dương có 179 Hiệp định Thương mại khu vực (RTAs - bao gồm cả FTA) đang có hiệu lực, chiếm 62,3% tổng số các RTAs trên toàn cầu.

Theo tiến sỹ Raijan Sudesh Ratna, các FTA đều tập trung vào các vấn đề thương mại hàng hóa và ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, các FTA tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước này thúc đẩy xuất khẩu đến các thị trường thành viên khác nhưng ngược lại cũng tạo ra áp lực cạnh tranh do gia tăng nhập khẩu từ khu vực.

Các FTA được ký kết với mục tiêu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư trực tiếp và đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế các MSMEs chưa tiếp cận và tận dụng được những ưu đãi mà Hiệp định Thương mại khu vực mang lại để đẩy mạnh thương mại.

Kết quả khảo sát 200 doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar cho thấy các doanh nghiệp cho rằng chỉ có 20% các FTA mang lại sự minh bạch. Trong khi đó, 70% doanh nghiệp cho biết họ thiếu thông tin về các FTA, 70% thiếu sự hỗ trợ và hướng dẫn về FTA từ Chính phủ, 38% doanh nghiệp cho biết thiếu kiến thức, thông tin về xuất khẩu...

Tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do ảnh 2Đại diện Mexico chia sẻ thông tin tại hội thảo. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Các chuyên gia phân tích nguyên nhân của việc hạn chế tận dụng các ưu đãi từ FTA của MSMEs là do nội dung các điều khoản, quy tắc để áp dụng các FTA đặc biệt là điều khoản về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa quá phức tạp khiến các MSMEs khó nắm bắt và áp dụng.

Thậm chí có nhiều điều khoản về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa được cho là ưu đãi nhưng thực chất được thiết kế để hạn chế hoặc ngăn cản quốc gia này xuất khẩu một mặt hàng nào đó vào quốc gia kia.

Điển hình như quy định về điều kiện để Singarpore được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sản phẩm sốt cà chua vào Mỹ là phải sử dụng 100% nguyên liệu cà chua được trồng ở Singapore và phụ gia của Singapore hoặc Mỹ. Trên thực tế, Singapore không có khả năng trồng cà chua mà chủ yếu nhập khẩu ở các nước khác rồi chế biến.

Một vấn đề nữa là năng lực kinh tế của các thành viên trong một FTA là khác nhau, nhưng với xu hướng hiện nay, chính sách ưu đãi trong các FTA dành cho các nước yếu ngày càng giảm, thay vào đó là “sự công bằng” cứng nhắc.

Mặt khác, hiện nay có quá nhiều FTA được ký kết, phạm vi chồng lấn lên nhau khiến doanh nghiệp lúng túng trong việc lựa chọn ưu đãi nào là phù hợp và có lợi nhất. Và để được hưởng các ưu đãi từ FTA, doanh nghiệp phải bỏ ra khá nhiều chi phí để tuân thủ các thủ tục.

Để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng tốt ưu đãi từ các FTA, các chuyên gia cho rằng cần có giải pháp để hỗ trợ MSMEs trang bị kiến thức và kỹ năng về sử dụng FTA, qua đó giúp họ tiếp cận tốt hơn với thị trường khu vực và toàn cầu.

Tiến sỹ Raijan Sudesh Ratna cho rằng trong quá trình đàm phán FTA, Chính phủ các quốc gia cần tham vấn thông tin các bên liên quan; trong đó có cộng đồng MSMEs để lường trước các khó khăn, thách thức mà những doanh nghiệp này gặp phải khi tham gia thị trường mới. Thêm vào đó, các cơ quan quản lý cần đơn giản hóa quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi xuất khẩu.

Mặt khác, cần nâng cao sự minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin liên quan tới FTA cho doanh nghiệp. Đồng thời, phải đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác để nâng cao năng lực thương mại cho các doanh nghiệp và ngành hàng.

Hàn Quốc được xem là một trong những quốc gia áp dụng thành công các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Jang Jin-deok, Phó Giám đốc Phòng hợp tác FTA, Cục Hải Quan Hàn Quốc cho biết, tỷ lệ áp dụng các FTA vào xuất nhập khẩu của Hàn Quốc đang tăng khá nhanh trong vài năm trở lại đây, đến năm 2017, tỷ lệ này đã đạt 68% tổng khối lượng trao đổi hàng hóa với nước ngoài.

Tại Hàn Quốc, các công ty lớn có tỷ lệ tận dụng FTA trong xuất khẩu hàng hóa cao hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, ở chiều nhập khẩu, mức độ tận dụng các FTA của các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại tốt hơn.

Ông Jang Jin-deok chia sẻ hầu hết các doanh nghiệp nhỏ đều không có bộ phận hay chuyên gia nghiên cứu các quy định, cách thức xin cấp C/O theo yêu cầu của từng FTA, vì vậy Hải quan Hàn Quốc đã thành lập bộ phận hỗ trợ để hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục để được hưởng ưu đãi từ các FTA phù hợp.

Thêm vào đó, để hỗ trợ MSMEs tận dụng tốt hơn các ưu đãi từ các FTA vào xuất khẩu hàng hóa, Chính phủ Hàn Quốc đã cho xây dựng phần mềm FTA-PASS giúp các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục và cấp C/O.

Thông qua phần mềm này, doanh nghiệp có thể đánh giá được mức độ đáp ứng các quy tắc của FTA mình áp dụng, đăng ký xin cấp C/O điện tử đồng thời quản lý và lưu trữ C/O. Trong khi các doanh nghiệp lớn thường đầu tư hệ thống quản lý mức độ tuân thủ quy định FTA riêng thì FTA-PASS là phần mềm miễn phí và được sử dụng rộng rãi và hiệu quả trong cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hàn Quốc.

Trong khi đó, ở Indonesia, Chính phủ đã cho thành lập tới năm trung tâm hỗ trợ áp dụng FTA tại các khu vực kinh tế lớn là Jakarta, Bandung, Surabaya, Medan và Makassar.

Ông Dedi Budiman Hakim, chuyên gia Trường Đại học Nông nghiệp Bogor, Indonesia cho biết mục tiêu của việc thành lập các trung tâm hỗ trợ FTA của Indonesia là xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương.

Qua đó, cung cấp đầy đủ thông tin về chính sách, thị trường liên quan đến các FTA, đồng thời hỗ trợ giải quyết nhanh nhất các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình làm hồ sơ hưởng ưu đãi, góp phần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ FTA trong trao đổi thương mại hàng hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.