Tận dụng ưu đãi thuế tại FTA giữa Việt Nam- EAEU không dễ

“Ngày 29/5, Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, tuy nhiên để thâm nhập vào thị trường rộng lớn hơn 180 triệu dân này lại không dễ."
Tận dụng ưu đãi thuế tại FTA giữa Việt Nam- EAEU không dễ ảnh 1Tọa đàm trực tuyến “FTA Việt Nam-EAEU: Để doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội.” (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Ngày 29/5, Hiệp định Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), tuy nhiên để thâm nhập vào thị trường rộng lớn hơn 180 triệu dân này lại không dễ.”

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản thẳng thắn đưa ra những vấn đề khúc mắc từ phía ngành thủy sản tại chương trình Tọa đàm trực tuyến “FTA Việt Nam-EAEU: Để doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ thực hiện.

Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam-EAEU ​(Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) mở ra một thị trường lớn có quy mô lên tới 182 triệu dân, có GDP năm 2014 đạt khoảng hơn 2.200 tỷ USD.

Đáng chú ý, đây  là thị trường giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, than đá, quặng sắt. Trên thực tế, Việt Nam đã và đang xuất khẩu vào thị trường này các mặt hàng chủ lực như điện thoại-linh kiện, máy vi tính-sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả. Bên cạnh đó, Việt Nam lại nhập các mặt hàng xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc thiết bị.

Sau khi Hiệp định FTA Việt Nam-EAEU có hiệu lực, trên thị trường sẽ có khoảng 53% trong tổng số các dòng thuế xuống mức 0% và tạo cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm thế nào để đáp ứng các quy tắc xuất xứ, quy tắc về vệ sinh an toàn thực phẩm… để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được các chế độ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định.

Ông Nam cho biết, trong nhiều năm qua, ngành thủy sản Việt Nam luôn xác định Nga và khu vực này có sức tiêu thụ đặc biệt, đây là thị trường đầy tiềm năng. Song quá trình thâm nhập thị trường gặp nhiều bất cập nên giá trị xuất khẩu thủy sản chưa cao (khoảng 106 triệu USD-110 triệu USD mỗi năm, chỉ  hơn 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành). Theo ông Nam, nguyên nhân là do các quy định tiếp cận hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (SPS)  của Nga và khối Á-Âu rất chặt chẽ.

“Thêm vào đó, sự phản hồi của đối tác cũng luôn có sự lệch pha. Gần đây nhất (tháng 9/2014), Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Nga, đại diện các bên tham gia đã thể hiện tinh thần hợp tác rất rõ ràng. Nhưng khi phía Việt Nam gửi danh sách hơn 60 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu vào Nga thì đến nay vẫn chưa có sự phản hồi mang tính kết quả,” ông Nam phàn nàn.

Trả lời những vướng mắc trên, ông Dương Hoàng Minh, Vụ phó Vụ Châu Âu, Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình đàm phán, phía Việt Nam đã phối hợp đưa ra các điều kiện nhằm tăng thúc đẩy xuất khẩu nông- lâm-thủy sản vào Nga.

Tuy nhiên, ông Minh cũng chỉ ra vấn đề vướng mắc ở phía Việt Nam là khâu nhận thức. Hiểu biết của doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy định của Nga về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật là chưa tốt. Thêm vào đó, doanh nghiệp Việt Nam quen xuất khẩu sang thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu nhưng sang đến thị trường Á-Âu yêu cầu kiểm dịch thực vật lại có sự khác biệt, do hệ thống kiểm soát chất lượng họ có sự kế thừa từ Liên Xô cũ.

“Nên khi đàm phán, Việt Nam đã đưa chương trình quy định tiếp cận hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (SPS) dựa trên nguyên tắc của tổ chức WTO nhằm tạo sự minh bạch. Nội dung tiến tới công nhận tương đương lẫn nhau về hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông-lâm- thủy sản. Theo quy định Á-Âu khi chấp nhận một quốc gia có hệ thống quản lý chất lượng tương đương hoặc bằng thì doanh nghiệp cần phải được cơ quan quản lý của phía bạn xác nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào khu vực,” ông Minh nhấn mạnh.

Để tận dụng và tiếp cận được các cơ hội thâm nhập thị trường Á-Âu, theo các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần phải cập nhật đầy đủ, chính xác các thông tin từ Hiệp định cũng như quy định từ phía đối tác. Sân chơi này không chỉ dành cho một ngành, song doanh nghiệp Việt cần phải thực sự có năng lực, tính toán giá thành cạnh tranh, đó là bài toán chiến lược.

Ông Minh cũng ghi nhận, hoạt động tuyên truyền tới đây sẽ được Bộ Công Thương chú trọng hơn, bởi trước đó công tác này vẫn làm chưa tốt nên doanh nghiệp Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều từ các hiệp định thương mại tự do.

“Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương phổ biến sâu rộng hơn nữa. Bộ đã đăng tải toàn văn Hiệp định này, theo đó doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu thông tin. Nếu có những vướng mắc, khó khăn về chính sách doanh nghiệp có thể phản hồi với Bộ qua e-mail và đường dây nóng hoặc các hiệp hội ngành, nghề…” ông Minh nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.