Tiếp tục phiên họp thứ 42, sáng 14/10, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến về giải trình tiếp thu, chỉnh lý hai dự án: Luật tố tụng hành chính ( sửa đổi ) và Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).
Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng hành chính
Trong phần đầu của phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận các nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến Viện Kiểm sát nhân dân trong dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).
Cụ thể, về vị trí của Viện Kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính, theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiện có 3 loại ý kiến khác nhau: Loại thứ nhất, nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội cho rằng, Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nên Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng hành chính.
Loại thứ hai, nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội cho rằng trong tố tụng hành chính, Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, nên Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính mà không phải là cơ quan tiến hành tố tụng cũng như không phải là cơ quan tham gia tố tụng hành chính.
Loại thứ ba, một số ý kiến cho rằng, trong tố tụng hành chính Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tư pháp, không trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng, do vậy Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan tham gia tố tụng.
Góp ý vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị chỉ rõ vị trí, vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân trong dự thảo Luật; đồng thời không nên phân loại cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Đồng quan điểm này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương đề nghị dự thảo Luật cần ghi đúng chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan theo quy định của Hiến pháp.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị giữ nguyên theo Luật tố tụng hành chính hiện hành đang quy định Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng. Bởi, quy định như vậy là phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014. Mặt khác, Luật tố tụng hành chính và Luật tố tụng dân sự hiện hành cũng quy định Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng.
Trước những ý kiến khác nhau về vị trí của Viện Kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành biểu quyết và đa số đại biểu có mặt nhất trí với việc Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng hành chính.
Đối với việc phát biểu quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tại phiên tòa sơ thẩm, một số ý kiến cho rằng: Viện Kiểm sát nhân dân chỉ có quyền phát biểu và kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính; không phát biểu đề xuất quyết định giải quyết vụ án. Tuy nhiên, có ý kiến khác cho rằng Viện Kiểm sát nhân dân có quyền đề xuất quyết định giải quyết vụ án.
Vấn đề trên, theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quy định về việc phát biểu quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tại phiên tòa, phiên họp cần căn cứ vào quyền hạn, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014.
Theo quy định của Luật này, khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn “tham gia phiên tòa, phiên họp, phát biểu quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân về việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật” và “kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng.” Như vậy, nội dung và phạm vi phát biểu quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân về việc giải quyết vụ án do Luật tố tụng hành chính quy định cụ thể.
Để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân và quy định của Hiến pháp năm 2013; đồng thời bảo đảm tính độc lập, vô tư, khách quan của Hội đồng xét xử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp thu theo loại ý kiến thứ nhất của Đại biểu Quốc hội và ý kiến nhất trí của các cơ quan có liên quan, chỉnh lý lại như quy định tại Điều 192 của dự thảo Luật tố tụng hành chính là: “Sau khi những người tham gia tố tụng tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng hành chính trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Kiểm sát viên không đề xuất quyết định giải quyết vụ án hành chính.”
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào một số nội dung khác của dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) như: Việc áp dụng án lệ; phân định thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…
Bị can được đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án
Cũng trong sáng 14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Tư pháp.
Góp ý về nguyên tắc “Suy đoán vô tội,” các ý kiến đều tán thành với dự thảo là: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội."
Về tranh tụng trong tố tụng hình sự, các ý kiến đề nghị làm rõ hơn thêm và cho rằng phải được tiến hành ở cả 3 giai đoạn: Sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm; đồng thời phải đề cao vai trò của luật sư trong tranh tụng.
Đối với việc bổ sung các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng và Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đề nghị cân nhắc thêm vấn đề này. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị bổ sung cơ quan Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc nhận mình có tội, hiện có 2 phương án: Phương án 1: “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.”
Phương án 2: “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không bị ép buộc đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc bị ép buộc phải nhận mình có tội." Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành với Phương án 1.
Liên quan đến bào chữa trong tố tụng hình sự, có 2 phương án: Phương án 1: "Phải chỉ định người bào chữa đối với “bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 15 năm tù trở lên, tù chung thân, tử hình." Phương án 2: Phải chỉ định người bào chữa đối với “bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù chung thân, tử hình." Qua thảo luận, các ý kiến tán thành theo phương án 1.
Về quyền của bị can đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án, các đại biểu tán thành với dự thảo Luật quy định: Bị can được đọc, ghi chép "bản sao các tài liệu liên quan đến việc buộc tội họ."
Thảo luận vấn đề bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, các ý kiến tán thành với dự thảo về quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can; đồng thời đề nghị quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm ghi hình trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và tán thành với dự thảo Luật về một số vấn đề như Ủy quyền công tố và kiểm sát xét xử; không tạm giam đối với người già yếu nếu họ có nơi cư trú và lai lịch rõ ràng./.