Tăng cường bảo tồn di sản văn hóa múa rom vong độc đáo của người Khmer

Múa rom vong thể hiện khát vọng vươn tới các giá trị chân- thiện-mỹ, gắn với các lễ hội cổ truyền của dân tộc Khmer được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.
Các điệu múa, hát rom vong do các diễn viên, ca sỹ của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng biểu diễn. (Nguồn: baosoctrang.org.vn)

Múa rom vong (hay múa lâm thôn) - có vị trí quan trọng trong các cuộc sinh hoạt tập thể, gắn với cuộc sống đời thường, gắn với các lễ hội cổ truyền của dân tộc Khmer- hiện đang được nhiều tỉnh Nam Bộ tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị.

Múa rom vong của người Khmer gắn với tín ngưỡng-tôn giáo và phong tục tế lễ tiêu biểu như lễ tế thần linh, lễ rước thần, lễ cầu an và lễ Arăk... Hầu hết các điệu múa đều có tính vui nhộn được thể hiện qua sự phối hợp nhịp nhàng, sinh động của các động tác tay chân theo từng điệu nhạc. Các điệu múa có thể múa thành vòng tròn hoặc múa thành hàng và không giới hạn số người tham gia.

Người Khmer múa trong các dịp tế lễ của cộng đồng và trong các buổi giao lưu văn nghệ: có thể múa tại nhà, trên sân chùa, ngoài đồng ruộng... chỉ cần có tiếng hát, tiếng vỗ tay cổ động hoặc thau nhôm, thùng nhựa làm trống.

Múa rom vong là múa vòng tròn, theo nhịp 2/4. Khi nhịp trống và giọng hát say sưa vang lên theo điệu rom vong, thì từng người một hoặc từng đôi trai gái bước đều 3 bước và lui một bước, hai tay nâng lên để trước ngực, các ngón tay thẳng đứng và cong lên như những đóa cánh tươi, cứ một tay đưa lên, tay kia đưa xuống nhịp nhàng theo tiếng nhạc.

[Phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Khmer trong thu hút du lịch]

Đối với múa rom vong, nhất là vào những dịp lễ, Tết truyền thống của dân tộc, khi tiếng trống hoặc nhạc ngũ âm vang lên, từng đôi trai gái, già trẻ cùng uyển chuyển hòa mình vào điệu múa tập thể rất mềm mại và duyên dáng. Các động tác của nữ khi múa lượn 2 cánh tay đưa ra trước ngực, còn nam thì lượn cánh tay rộng ra như để che chở cho người bạn múa của mình; kết hợp với chân, chân nào phía trước thì tay đó ở dưới thấp và ngược lại; lòng bàn tay trái ngửa thì lòng bàn tay phải úp và ngược lại theo quy luật âm dương, trong âm có dương, trong dương thì lại có âm.

Múa rom vong chiếm một vị trí quan trọng trong các cuộc sinh hoạt tập thể, gắn với cuộc sống đời thường, gắn với các lễ hội cổ truyền của dân tộc như Chol Chnăm Thmây, Sen Dolta, Ok Om Bok hay trong các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Đi kèm với điệu múa là những nhạc cụ đặc trưng của dân tộc như trống sadam, chiêng, dàn nhạc ngũ âm.

Múa rom vong có 3 bước chính, người múa thường bắt đầu bằng cách bước chân phải lên một góc 45 độ và khi đó phải chuyển từ tư thế tay chíp sang tư thế tay thô thuôl, tay trái trong tư thế tay rồn. Kế tiếp là bước chân trái lên khi đó tay trái trong tư thế rồn chuyển sang chíp rồi buông ra thành tư thế thô thuôl, khi đó chân trái rút thấp ra phía sau. Quy luật chân nào phía trước thì tay đó ở dưới thấp và tư thế rồn, tay đối diện trong tư thế thô thuôl và ngược lại cho đến khi hết bài. Đặc điểm múa rom vong là múa nhấp chân ở phía sau.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Nam Bộ-Sơn Lương cho biết múa rom vong phải tuân theo một số quy tắc nhất định như người ít tuổi, địa vị thấp hơn sẽ ra múa trước, sau đó mới tiến đến mời các vị quan khách, người cao tuổi ra múa giao lưu.

Các động tác múa rom vong có tên cụ thể như động tác tay chíp (cheap), động tác tay khuôn, phong cách tay rồn (còn gọi là che), phong cách tay chòn-ol (còn gọi là động tác chỉ), phong cách tay thồ thuôl (còn gọi là nhận hay đón lấy), phong cách tay bông hoa.

Nghệ thuật Rom vong đạt các tiêu chí quy định về việc xác định vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng. Về giá trị lịch sử, đây là điệu múa đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào Khmer qua nhiều thế hệ.

Về giá trị văn hóa, Rom vong thể hiện khát vọng vươn tới các giá trị chân- thiện-mỹ của đồng bào dân tộc Khmer. Do hình thành trong lao động, sản xuất nông nghiệp và gần gũi với tất cả giai tầng trong xã hội nên Rom vong gần gũi với đồng bào Khmer, kể cả người Kinh và người Hoa cùng cộng cư với người Khmer cũng biết múa Rom vong.

Với giá trị tiêu biểu, Múa rom vong của người Khmer đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.

Nhằm bào tổn và phát huy giá trị nghệ thuật múa rom vong, nhiều tỉnh ở Nam Bộ như Bạc Liêu, Sóc Trăng đã tiến hành nhiều giải pháp, hoạt động cụ thể.

Bạc Liêu hiện có 22 chùa Khmer và hàng trăm thiết chế văn hóa đan xen trong cộng đồng dân cư, Rom vong hiện diện ở những nơi đó và ở rộng khắp mọi ngõ ngách của cộng đồng Khmer, sức sống cũng như sự tồn tại của Rom vong rất mạnh mẽ.

Tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ nghệ nhân mở lớp truyền dạy tại cộng đồng địa phương, ưu tiên tại các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ trang thiết bị, đạo cụ để các chùa tổ chức truyền dạy và thực hành; ; thành lập các câu lạc bộ, xây dựng chương trình biểu diễn kết nối các tour du lịch để phục vụ khách tham quan tại các điểm đến.

Tại Sóc Trăng, tỉnh nghiên cứu, đề xuất chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân nắm giữ và truyền dạy các điệu Múa Rom Vong trong cộng đồng; tiếp tục tuyên truyền giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về giá trị của di sản, qua đó nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản, môi trường, không gian, cảnh quan tự nhiên, những phong tục tập quán... gắn với sự tồn tại và phát triển của di sản.

Cùng đó, tỉnh khảo sát, lựa chọn địa điểm tổ chức truyền dạy Múa Rom Vong. Mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng hai câu lạc bộ, tùy theo tình hình thực tế của địa phương; tổ chức truyền dạy Múa Rom Vong tại cộng đồng. Đồng thời, hỗ trợ huyện, thị, thành phố xây dựng mô hình điểm truyền dạy Múa Rom Vong nhằm nhân rộng mô hình cho các địa phương khác trong huyện học tập.

Sóc Trăng còn tổ chức bảo tồn theo hướng “bảo tồn sống” tại cộng đồng. Cộng đồng dân cư là chủ thể của di sản trực tiếp bảo tồn theo truyền thống và có thể tạo thành sản phẩm phục vụ, khai thác du lịch nhằm tạo ra nguồn thu từ chính di văn hóa truyền thống của địa phương. Tỉnh tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn Múa Rom Vong và phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức liên hoan giao lưu nghệ thuật.

Tỉnh tăng cường quảng bá, giới thiệu giá trị của Di sản văn hóa Nghệ thuật Múa Rom Vong trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng; duy trì hiệu quả Cổng thông tin du lịch, chuyên mục trên website Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục