Ngày 21/4, tại Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển TDT (tỉnh Thái Nguyên), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, CARE Quốc tế tại Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên phối hợp tổ chức diễn đàn “Tăng cường tiếng nói của phụ nữ nhằm chấm dứt quấy rối tình dục tại nhà máy” nhằm giúp cho lao động nữ nhận diện được quấy rối tình dục tại nơi làm việc và biết cơ chế báo cáo đơn vị, nhà máy làm việc.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Đỗ Thị Hồng Vân, Phó Trưởng ban nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một trong những yếu tố tác động tiêu cực đến công nhân lao động và doanh nghiệp, gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe thể chất, tinh thần, làm giảm năng suất, hiệu quả lao động kinh doanh và có thể ảnh hưởng đến phúc lợi của mọi nhân viên tại nơi làm việc.
Dự án “Tăng cường tiếng nói của phụ nữ nhằm chấm dứt quấy rối tình dục tại nhà máy” của CARE thực hiện với mục đích giảm quấy rối tình dục đối với lao động nữ tại các nhà máy dệt may ở một số nước, trong đó có Việt Nam.
Dự án hướng dẫn triển khai, tập huấn đa phương tiện để thu hút sự tham gia của các nữ công nhân nhà máy, cung cấp những kiến thức, cũng như trách nhiệm của người sử dụng lao động và các doanh nghiệp với sự lành mạnh và an toàn tại nơi làm việc.
Mục tiêu chương trình là hỗ trợ các nhà máy may xây dựng cơ chế tại nơi làm việc hiệu quả để đối phó với quấy rối tình dục, hỗ trợ cho các nữ công nhân nhà máy may để họ cảm thấy an toàn khi tố cáo quấy rối tình dục, củng cố môi trường pháp lý của các nhà máy may để thúc đấy luật pháp, chính sách và cơ chế giải quyết quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
[Cần luật hóa hành vi quấy rối tình dục đối với phụ nữ, trẻ em]
Theo ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 200.000 công nhân, viên chức, lao động, trong đó nữ chiếm 60%, riêng khối doanh nghiệp thu hút 150.000 lao động.
Do đó dẫn đến hiện tượng mất cân bằng giới tính ở nhiều khu công nghiệp, lao động nữ gặp nhiều khó khăn về tìm hiểu bạn đời, xây dựng gia đình riêng.
Riêng về lĩnh vực may mặc, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 5 nhà máy may do Công đoàn ngành Công Thương quản lý với trên 10.000 công nhân, viên chức, lao động, nữ chiếm trên 80%.
Qua hơn một năm thực hiện dự án “Tăng cường tiếng nói của phụ nữ nhằm chấm dứt quấy rối tình dục tại nhà máy” tại Thái Nguyên đã đạt hiệu quả nhất định như dự án nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp, Công đoàn các doanh nghiệp và sự tham gia sôi nổi của các lao động nữ.
Thông qua dự án góp phần nâng cao nhận thức về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, từ đó thay đổi hành vi mang đến một môi trường làm việc an toàn cho công nhân lao động.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc và trong xã hội được nhìn nhận như một vấn đề nhạy cảm, khó nói.
Tại Việt Nam, theo báo cáo cuối năm 2017 của Better Work, quấy rối tình dục đối với người lao động, đặc biệt trong ngành dệt may vẫn đang trong tình trạng bị che giấu, không được báo cáo mặc dù có rất nhiều thông tin không chính thức về các vụ việc quấy rối tình dục trên thực tế.
Quấy rối tình dục làm cho người lao động sợ hãi, hoang mang, khủng hoảng tinh thần, giảm năng suất lao động.
Do vậy, các doanh nghiệp cần thực hiến tốt phòng, chống quấy rối tình dục để giữ chân người lao động có tay nghề; đồng thời cũng để giữ uy tín, hợp đồng với khách hàng trong việc đảm bảo thực hiện đầy đủ các yêu cầu về phòng, chống quấy rối tình dục trong các bộ quy tắc, tiêu chuẩn của nhãn hàng.
Tại diễn đàn, đại diện CARE Quốc tế tại Việt Nam, lãnh đạo doanh nghiệp cũng trao đổi cùng công nhân về các vấn đề như nhận diện hành vi quấy rối tình dục tại nhà máy; cách xử lý, phòng tránh quấy rối tình dục, trang bị kỹ năng cần thiết cho người lao động khi bị quấy rối tình dục…/.