Theo phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu, ngày 8/10, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Áo đã trang trọng tổ chức kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao Áo và một số cơ quan, địa phương, lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Vienna, Đại sứ và đại diện thường trực các quốc gia bên cạnh các tổ chức quốc tế tại Vienna, bạn bè quốc tế và đại diện cộng đồng Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Áo.
Trong phát biểu chào mừng, Đại sứ Việt Nam tại Áo, Đại diện thường trực Việt Nam tại các tổ chức quốc tế tại Vienna, Nguyễn Trung Kiên khẳng định năm 2021 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Áo như kỷ niệm 150 năm Áo bổ nhiệm Lãnh sự danh dự tại Việt Nam, kỷ niệm 30 năm thành lập Đại sứ quán Việt Nam tại Áo.
Đại sứ bày tỏ vui mừng khi quan hệ hai nước thời gian qua luôn được củng cố và phát triển, bất chấp những tác động của dịch COVID-19, thể hiện qua các hoạt động chính thức của lãnh đạo cấp cao hai nước như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Vienna (từ ngày 5-8/9), Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz (ngày 16/9), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen bên lề Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 (ngày 23/9).
Đại sứ Nguyễn Trung Kiên cảm ơn chính phủ và bạn bè Áo đã hỗ trợ Đại sứ quán trong vai trò cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Áo, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của Cộng hòa Áo trong thời gian tới, đặc biệt khi hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1972-2022).
Về ngoại giao đa phương, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh Việt Nam là thành viên tích cực của các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, ASEAN…, luôn đóng vai trò tích cực trong các hoạt động ngoại giao đa phương với các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc tại Vienna, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).
Tháng 9/2021, Việt Nam đã được các nước thành viên IAEA nhất trí bầu vào Hội đồng Thống đốc, cơ chế quyết định chính sách và hoạt động của IAEA, nhiệm kỳ 2021-2023.
Đại sứ khẳng định trong vai trò này, Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với IAEA trong quá trình ứng dụng công nghệ hạt nhân vào mục đích hòa bình, hướng tới hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Về phía Cộng hòa Áo, Đại sứ Enno Drofenik, Cục trưởng Cục Lễ tân, Bộ Ngoại giao Áo đánh giá cao hợp tác Việt Nam-Áo trong thời gian qua.
Ông chúc mừng việc hai nước đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng như Diễn đàn doanh nghiệp nhân dịp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc tại Áo (9/2021), góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương.
Đại sứ Drofenik khẳng định Bộ Ngoại giao và các cơ quan của Áo sẽ tiếp tục đồng hành với Đại sứ quán Việt Nam thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Áo, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
[Việt Nam-Áo hướng tới hợp tác năng lượng tái tạo, phát triển bền vững]
Nhân dịp này, Tiến sỹ Najat Mokhtar, Phó Tổng Giám đốc IAEA nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng của IAEA tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là điểm sáng trong quá trình ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Phó Tổng Giám đốc IAEA mong muốn Việt Nam tiếp tục phối hợp với IAEA và đóng vai trò điều phối tại khu vực trong quá trình triển khai các dự án hợp tác, đặc biệt là Dự án về ứng phó rác thải nhựa (NUTEC Plastic).
Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và luôn đóng góp tích cực vào các diễn đàn hợp tác tại Vienna, nhiều lần được bầu vào Hội đồng thống đốc IAEA và đóng vai trò Chủ tịch của cơ chế này từ năm 2013-2014.
Đặc biệt, cùng với các hoạt động chính thức trong khuôn khổ lễ kỷ niệm quốc khánh, Đại sứ quán đã tổ chức giới thiệu “Mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất càphê tại Việt Nam” với sự phối hợp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất càphê Minh Tiến.
Đây là mô hình sản xuất hiện đại, khép kín từ khâu canh tác, tạo nguồn nguyên liệu càphê.
Theo quy trình này, các sản phẩm từ cây càphê sẽ được tận dụng tối đa để sản xuất các loại sản phẩm thân thiện với môi trường như trà sạch, túi đựng thực phẩm… Đồng thời, các nguyên liệu không thể tận dụng để sản xuất sẽ được chuyển thành phân bón sinh học để phục vụ chăm sóc và phát triển hệ thống các nông trại càphê.
Mô hình sản xuất trên đã chuyển tới các đại biểu và khách quý thông điệp về xây dựng nền nông nghiệp và sản xuất càphê bền vững, góp phần hướng người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, khắc phục biến đổi khí hậu, giảm thiểu rác thải, nhất là rác thải nhựa.
Đây cũng là một trong những vấn đề trọng tâm trong chính sách phát triển của Việt Nam và Áo, được nhiều tổ chức quốc tế tại Viên coi là trụ cột trong hoạt động của mình.
Việt Nam và Cộng hòa Áo thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1972. Từ đó đến nay, hai nước luôn duy trì và thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại-đầu tư, khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực. Hai nước cũng thường xuyên phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế./.