Tăng cường hợp tác đầu tư giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Gunma

Thống đốc Gunma (Nhật Bản) cho biết tỉnh mong muốn trao đổi hợp tác du lịch, chế tạo, kỹ thuật số, công nghệ thông tin; hy vọng quan hệ hợp tác chính thức sẽ được thiết lập trong chuyến thăm lần tới.
Tăng cường hợp tác đầu tư giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Gunma ảnh 1Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (phải) tiếp ông Yamamoto Ichita, Thống đốc tỉnh Gunma (Nhật Bản). (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Chiều 5/8, ông Yamamoto Ichita, Thống đốc tỉnh Gunma (Nhật Bản) đã đến thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng tiếp và làm việc với Đoàn.

Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng luôn coi trọng mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản và với các tỉnh, thành phố của Nhật Bản. Thành phố Đà Nẵng có mối quan hệ với nhiều địa phương của Nhật Bản. Sau chuyến thăm này, lãnh đạo thành phố hy vọng Đà Nẵng và Gunma sẽ có nhiều hơn nữa các hoạt động hợp tác, giao lưu trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, tỉnh Gunma có nhiều thế mạnh về công nghiệp chế biến, công nghệ thông tin. Còn Đà Nẵng là một trong năm thành phố lớn của Việt Nam và có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin, đặc biệt là du lịch.

Đà Nẵng có một khu công nghệ cao, hai khu công viên phần mềm và hai khu công nghệ thông tin tập trung. Về hạ tầng công nghệ cao và công nghệ thông tin tập trung, thành phố sẵn sàng để chào đón các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

Trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, Đà Nẵng là một trong những địa phương có tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao; nhiều hạ tầng du lịch tầm cỡ được xếp trên bảng xếp hạng ở thế giới. Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp Nhật Bản vào đầu tư nhất.

[Vốn đầu tư doanh nghiệp Nhật Bản rót vào Bình Dương gần 6 tỷ USD]

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng kỳ vọng trong chuyến thăm và làm việc lần này, ngài Thống đốc Gunma sẽ giúp cho quan hệ hai địa phương phát triển lên một bước mới; các doanh nghiệp của Gunma mở ra thêm nhiều cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng. Thành phố cam kết sẽ tạo các điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp vào đầu tư.

Thống đốc tỉnh Gunma Yamamoto Ichita chia sẻ chuyến thăm lần này mang nhiều ý nghĩa. Mục đích lớn nhất của chuyến thăm là tăng cường hợp tác kinh tế giữa Đà Nẵng và Gunma.

Tỉnh Gunma rất quan tâm đến Đà Nẵng, một thành phố có nhiều tiềm năng phát triển. Trong tương lai, tỉnh sẽ kêu gọi doanh nghiệp và thành lập đoàn công tác đến thăm Việt Nam để xúc tiến đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng.

Thống đốc Yamamoto Ichita cho hay tỉnh Gunma mong muốn được trao đổi về hợp tác du lịch, công nghiệp chế tạo, kỹ thuật số, công nghệ thông tin; mong muốn trong chuyến thăm lần tới, hai bên sẽ thiết lập được mối quan hệ hợp tác chính thức.

Thành phố Đà Nẵng đã ký kết thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác chính thức với bốn thành phố của Nhật Bản, bao gồm: Kawasaki (2012), Yokohama (2013), Sakai (2019) và Kisarazu (7/2019). Ngoài ra, thành phố còn có quan hệ hợp tác với 15 tỉnh, thành phố của Nhật Bản như: Nagasaki, Shizuoka, Fukuoka, Mitsuke, Ichihara, Narita, Kushiro, Mimasaka, Goto...

Các địa phương Nhật Bản đã cùng thành phố Đà Nẵng triển khai các chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực, góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Tính đến hết năm 2021, tổng số doanh nghiệp, văn phòng đại diện, dự án của các công ty Nhật Bản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã xấp xỉ 215, bao gồm các dự án, công ty liên doanh và 100% vốn nước ngoài - đứng thứ nhất về tổng số dự án, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố.

Tổng số vốn đầu tư lên đến 932 triệu USD, xếp thứ nhất trong hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Đà Nẵng. Các doanh nghiệp FDI Nhật Bản tập trung đầu tư vào lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị, chế biến, công nghệ thông tin, dịch vụ và du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.