Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khẳng định cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả nặng nề nhất. Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã phun rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366kg dioxin xuống miền Nam Việt Nam làm cho môi trường, sinh thái bị hủy hoại nặng nề.
Đây là thông tin được đưa ra tịa hội thảo khoa học quốc tế “Đánh giá tác hại của chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” do Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức ngày 8/8 tại Hà Nội.
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, hậu quả của cuộc chiến tranh hoá học đó là khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, gần 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hàng trăm nghìn người đã chết, những nạn nhân còn sống đang phải vật lộn với các căn bệnh hiểm nghèo, di chứng chất độc da cam đã truyền qua thế hệ con, cháu, chắt. Hàng vạn người bị tước đi quyền làm cha làm mẹ. Hàng triệu trẻ em sinh ra, nhưng không được làm người hoàn thiện. Không chỉ người Việt Nam, mà cả binh lính Mỹ và đồng minh của Mỹ tham chiến ở Việt Nam cũng là nạn nhân của cuộc chiến tranh hóa học này.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết thêm, chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái.
Theo điều tra của Ủy ban Quốc gia nghiên cứu về chất độc da cam (Ủy ban 10-80) và một số nghiên cứu của nước ngoài, môi trường trên toàn miền Nam bị ô nhiễm nặng. Các hệ sinh thái bị tàn phá, đảo lộn; hệ thống rừng ngập mặn và rừng đầu nguồn của 28 sông chính bị phá hủy nặng nề, làm suy giảm nghiêm trọng khả năng giữ nước chống lụt; một số loài động vật thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng; các loài gậm nhấm và cỏ dại phát triển.
Tại các căn cứ trước kia quân đội Mỹ dùng làm kho chứa, pha trộn, tiêu hủy chất khai quang, nồng độ dioxin còn gấp hàng nghìn lần nồng độ cho phép. Công ty tư vấn môi trường Hetfield, Canada vào tháng 9/2009 đã đưa ra 28 điểm nóng, trong đó có 3 điểm nặng nhất được khảo sát có số liệu tương đối đầy đủ là sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), sân bay Đà Nẵng và sân bay Phù Cát (Bình Định). Các điểm còn tồn lưu cao lượng dioxin luôn là nguy cơ gây phơi nhiễm cho cư dân lân cận.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, chiến tranh đã qua nhiều năm nhưng Việt Nam vẫn chịu hậu quả của bom mìn, chất độc da cam. Đặc biệt, chất độc da cam đã gây ra những hậu quả nặng nề và lâu dài. “Chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Tôi đã trực tiếp đến thăm một gia đình có cả 3 thế hệ là nạn nhân của chất độc da cam, còn có gia đình di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Không cách nào khác là phải tăng cường hợp tác, phải bằng tiếng nói của khoa học, của lương tâm, của sự thật để tất cả nạn nhân chiến tranh, đặc biệt là nạn nhân chất độc dioxin được hỗ trợ, được trả lại công bằng”.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng bày tỏ chân thành cảm ơn các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội có lương tri, đã và đang ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, cũng như nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tham dự hội thảo, các nhà khoa học đều khẳng định khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề lớn như: Tìm kiếm công nghệ thích hợp để xử lý ô nhiễm ở các khu vực còn tồn lưu cao dioxin; hạn chế tối đa số người bị phơi nhiễm mới và di chứng sang các thế hệ; phương pháp chữa trị bệnh tật; hoàn thiện chính sách, chăm sóc giúp đỡ, cải thiện đời sống nạn nhân chất độc da cam...../.