Hơn 400 hình ảnh, tài liệu và hiện vật liên quan đến thảm họa chất độc màu da cam /dioxin ở Việt Nam đang được giới thiệu tới công chúng tại triển lãm chuyên đề “Da cam: Lương tri và công lý.”
Chương trình đã chính thức khai mạc sáng nay (3/8) và kéo dài đến hết tháng Chín tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (số 28A Điện Biên Phủ, Hà Nội).
Điểm nhấn của triển lãm là những tài liệu lần đầu tiên được đưa ra trưng bày như: Kế hoạch khai quang niên khóa 1969 (do Phòng Ba-Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa lập), Bản đồ công tác 20P đánh dấu vị trí phun rải chất độc da cam ở hai tỉnh (Thừa Thiên, Quảng Trị) do Tỉnh trưởng của chính quyền Sài Gòn ký và đóng dấu…
Số tài liệu, hiện vật còn lại tập trung vào bốn chủ đề: “Thảm họa và nỗi đau” (nhấn mạnh tính chất nguy hiểm, mức độ thiệt hại của việc quân đội Mỹ sử dụng chất độc màu da cam/dioxin ở Việt Nam), “Nỗ lực khắc phục hậu quả” (quá trình khoanh vùng, tẩy độc và xử lý những vùng đất bị nhiễm chất độc màu da cam/dioxin còn tồn lưu sau chiến tranh…).
Bên cạnh đó, những câu chuyện chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, đấu tranh chống vũ khí hủy diệt hàng loạt được kể lại qua những tài liệu thuộc chủ đề “Vòng tay nhân ái.”
Cuối cùng, trong hành trình tham quan, công chúng sẽ có dịp gặp lại những tấm gương điển hình vượt lên bệnh tật, khó khăn do di chứng chất độc màu da cam/dioxin qua những hình ảnh thuộc chủ đề “Khát vọng vươn lên.”
Triển lãm “Da cam: Lương tri và công lý” do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/dioxin Việt Nam, Binh chủng Hóa học và Thư viện Quân đội tổ chức nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thảm họa Da cam Việt Nam (10/8/1961-10/8/2016)./.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, trong thời gian từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã tiến hành phun rải xuống miền Nam Việt Nam khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó, 61% là chất độc da cam, chứa 366kg dioxin xuống gần 26.000 thôn bản với diện tích gần 3,06 triệu hécta (bằng gần ¼ diện tích miền Nam Việt Nam).
Chất độc hóa học màu da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm.