Tăng cường hợp tác, liên kết khu vực để tìm kiếm cơ hội kinh doanh

Để tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần phải thích ứng với những thay đổi nhanh chóng bằng cách nắm bắt cơ hội mới nổi.
Tăng cường hợp tác, liên kết khu vực để tìm kiếm cơ hội kinh doanh ảnh 1Các diễn giả tại diễn đàn. (Ảnh: Việt Dũng/Vietnam+)

Một diễn đàn kinh doanh quốc tế thu hút gần 500 đại diện là các quan chức chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp đến từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ vừa diễn ra tại Singapore, do Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) tổ chức.

Diễn đàn nhằm chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề kết nối các liên kết khu vực, cơ sở hạ tầng, du lịch, tài chính và công nghệ thông tin... nhằm đối mặt với các thách thức mới nổi lên do những tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu.

Các đại biểu đều cho rằng các doanh nghiệp đang phải đối mặt với một môi trường kinh tế ngày càng khó khăn và không chắc chắn, trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn u ám với rủi ro suy thoái. Điều này cũng cho thấy bất kỳ khu vực hay một quốc gia không thể vận động và phát triển trong sự cô lập, mà cần phải tăng cường hợp tác để chia sẻ sự thịnh vượng, hòa bình và ổn định; đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Ông Teo Siong Seng, Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp Singapore (SBF) cho biết điều quan trọng là các nước ASEAN cần phải có định hướng phát triển kinh tế của riêng mình để có thể cùng nhau tiến lên nhằm đưa cộng đồng ASEAN ngày càng trở nên thống nhất và năng động hơn.

Cũng theo ông Teo Siong Seng, ASEAN là khu vực dân số trẻ, có mức độ tăng trưởng đô thị hóa cao và trình độ giáo dục cũng đang được cải thiện nên sẽ có triển vọng phát triển tốt hơn các khu vực khác.

Nhận định về Việt Nam, ông Ong Keng Yong, Đại sứ Lưu động Singapore-cựu Tổng thư ký ASEAN nhấn mạnh rằng để duy trì tăng trưởng một cách tích cực thì Việt Nam cần phải tiếp tục mở cửa thị trường, có một hệ thống cởi mở hơn, tạo sự thông thoáng hơn nữa cho sự luân chuyển của thương mại và hàng hóa, các dòng vốn cũng như lực lượng lao động chất lượng cao.

Theo các chuyên gia, để tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần phải thích ứng với những thay đổi nhanh chóng bằng cách nắm bắt cơ hội mới nổi và mở rộng thị trường thông qua việc đẩy mạnh hợp tác và kết nối khu vực; trong đó các hiệp định thương mại-đầu tư song phương và khu vực cũng như các sáng kiến kinh tế như "Một vành đai, một con đường" do Trung Quốc khởi xướng có thể tạo tiền đề cho việc thiết lập mạng lưới kinh doanh rộng lớn hơn, thông qua việc kết nối một thị trường của khoảng 60 quốc gia với dân số 4,4 tỷ người.

Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Singapore là cửa ngõ thị trường khu vực. Vị trí chiến lược của Singapore tại ngã tư thương mại Đông-Tây và môi trường kinh doanh thuận lợi đã biến nước này trở thành một điểm đến lý tưởng cho các công ty, tập đoàn đa quốc gia. Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài có thể tận dụng mạng lưới kinh doanh khu vực để thiết lập các quan hệ hợp tác cùng có lợi với các công ty Singapore nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư lớn hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.