Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 28/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Tăng cường huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh
Thảo luận về dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều ý kiến tán thành với mục tiêu của sửa đổi Luật Doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư, qua đó tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên bố cục kết cấu như Luật hiện hành; không nên quy định chương mới về doanh nghiệp Nhà nước trong Luật để tránh hiểu có sự phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế, tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trước pháp luật về kinh doanh.
Theo chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, phải cổ phần hóa tất cả các doanh nghiệp Nhà nước nên tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm dần. Hơn nữa trong dự thảo Luật có quy định 4 loại hình doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn; công ty cổ phần; công ty hợp danh và doanh nghiệp cá thể). Việc bổ sung chương quy định về doanh nghiệp nhà nước xen giữa kết cấu các chương dễ hiểu lầm đây là một loại hình khác của doanh nghiệp.
Trên cơ sở đánh giá việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp là cần thiết nhằm tạo được bước đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, khắc phục những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, một số ý kiến đề nghị cần có những quy định chặt chẽ trong việc quản lý, kiểm soát, để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để trục lợi. Theo các ý kiến này, cần có một chương riêng về quản lý Nhà nước như Luật hiện hành, trong đó đưa ra cơ chế quản lý doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước để kiểm soát, chống tham nhũng.
Về doanh nghiệp xã hội (Điều 11) một số ý kiến tán thành với dự thảo Luật khi bổ sung quy định về doanh nghiệp xã hội, phản ánh đúng thực tế về sự tồn tại của các doanh nghiệp ở Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp hướng đến mục tiêu xã hội, môi trường.
Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định rõ về cơ cấu tổ chức hay mô hình của loại hình doanh nghiệp này. Dự thảo cần làm rõ cơ chế bảo đảm “51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp được sử dụng để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường đã đăng ký” cũng như chế tài đối với các doanh nghiệp xã hội khi không bảo đảm bảo việc thực hiện quy định này.
Một số ý kiến tán thành với nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 30) đã đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, trước hết là đăng ký thành lập doanh nghiệp. Việc ghi rõ ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh góp phần bảo vệ doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm đối tác...
Theo đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) điểm mới này sẽ giúp doanh nghiệp không cần phải kê khai những lĩnh vực họ được phép kinh doanh trong giấy phép, để khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, lĩnh vực kinh doanh tận dụng cơ hội thị trường, thì doanh nghiệp không phải tiếp tục điều chỉnh giấy phép, tiếp tục phải xin phép và đăng ký, khi đó sẽ giảm được rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Đại biểu dẫn chứng thời gian qua, không ít doanh nghiệp bị xử phạt hành chính, rút giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vì kinh doanh ngành nghề, sản phẩm không có trong đăng ký.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong một năm, Sở phải cấp lại 65.000 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có tới 40.000 là đăng ký thay đổi ngành nghề kinh doanh. Việc này gây mất nhiều thời gian, công sức cho bộ máy công chức vốn đã quá tải.
Khắc phục tồn tại trong thực tiễn đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Thảo luận về dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, các ý kiến tán thành với việc xây dựng Luật nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại phát sinh trong thực tiễn đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian qua; đáp ứng các yêu cầu quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc định hướng, tổ chức lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Về đối tượng áp dụng, tại khoản 2, Điều 2 dự thảo đưa ra đối tượng áp dụng doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và chia nhóm đối tượng thành: “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế; công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ-công ty con; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập.”
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), tại Nghị định 25/2010/NĐ-CP cả công ty độc lập, công ty mẹ sau khi chuyển đổi đều được tổ chức dưới hình thức “công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước là chủ sở hữu.” Do đó, việc chia nhóm đối tượng này thành 2 là không cần thiết, không có ý nghĩa, không đảm bảo tính minh bạch của quy phạm pháp luật.
Đại biểu kiến nghị sửa đổi khoản 2 Điều 2 dự thảo theo hướng “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.”
Bàn về phương thức chuyển nhượng các khoản vốn ra ngoài doanh nghiệp, tại điểm a, khoản 2 Điều 30 dự thảo quy định: "Đối với việc chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn từ 2 thành viên trở lên hoặc chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp tại công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp."
Có ý kiến lo ngại quy định này có thể hiểu công ty trách nhiệm hữu hạn được tổ chức dưới 3 hình thức: công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, 2 thành viên trở lên và công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên. Điều này không đúng với bản chất công ty trách nhiệm hữu hạn ở Việt Nam, do đó cần có sự sửa đổi cho phù hợp.
Trên cơ sở phân tích này, đại biểu Nguyễn Quốc Bình đề nghị sửa đổi điểm a, khoản 1, Điều 13 theo hướng “Đối với việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, việc chuyển nhượng vốn làm tăng số lượng thành viên góp vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp."
Về quyền, trách nhiệm của người đại diện, khoản 2, Điều 36 quy định "Việc cử người đại diện phải thực hiện bằng văn bản, trong đó giao người đại diện thực hiện quyền, trách nhiệm của cổ đông, thành viên góp vốn."
Có ý kiến cho rằng quy định này mới chỉ dừng lại ở việc quy định về quyền và trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Người đại diện hoạt động với tư cách giống như cổ đông, thành viên góp vốn. Quy định này cần thiết nhưng chưa đủ, chưa ràng buộc được chặt chẽ nghĩa vụ của người đại diện trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ; dự thảo chưa đưa ra phương thức xử lý hay biện pháp chế tài trong trường hợp người đại diện không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình.
Theo Chương trình, chiều 28/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)./.