Tăng cường kiểm định chất lượng, phân loại các trường đại học

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã giải đáp nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến thực trạng và các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông.
Tăng cường kiểm định chất lượng, phân loại các trường đại học ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 6/6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã giải đáp nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến thực trạng và các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông.

Chất lượng giáo dục đại học còn thấp

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước và tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá 7/10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, trong đó có sự phát triển đặc biệt ấn tượng của hệ thống giáo dục Trung Quốc và Việt Nam. Vui mừng với sự đánh giá này của Ngân hàng Thế giới, tuy nhiên, đại biểu vẫn băn khoăn về giáo dục đại học.

Trong báo cáo của Bộ cũng đã tự nhận chất lượng giáo dục đại học chưa thực sự cao, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng còn hạn chế. Thực tế là, Việt Nam có gần 300 trường đại học nhưng chỉ có 5 trường có tên trong bảng xếp hạng châu Á.

“Bộ trưởng có ý kiến gì về đánh giá của Ngân hàng Thế giới? Nền giáo dục đại học của chúng ta thực sự đứng ở đâu trong bảng xếp hạng của khu vực, của châu Á và thế giới? Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao thứ hạng của giáo dục đại học Việt Nam,” đại biểu chất vấn.

[Kiên quyết đưa khỏi ngành những giáo viên mầm non không đủ năng lực]

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn thừa nhận về chất lượng giáo dục đại học, có một số trường, một số nhóm ngành tốt, nhưng về cơ bản, giáo dục đại học Việt Nam còn thấp, chưa đạt yêu cầu thị trường lao động, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Nguyên nhân là do chương trình đào tạo còn lạc hậu, vẫn chủ yếu là do thầy cô giáo xây dựng dựa trên hiểu biết, tính toán chứ chưa nghiên cứu xây dựng căn cứ vào nhu cầu của thị trường.

Bộ trưởng chỉ rõ so sánh với các nước trên thế giới, nhìn chung tỷ lệ tiến sỹ ở các trường đại học rất cao (khoảng 40-50%), thậm chí 60-70%; trong khi đó, ở Việt Nam mới chỉ từ 22-23%. Ngoài ra, cơ sở vật chất chưa đủ điều kiện cơ bản để nghiên cứu chất lượng cao; học phí còn rất thấp so với các nước. Với chi phí như vậy thì chất lượng đại học rất khó mong đợi được cao.

Từ thực tế này, người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo cho biết tới đây sẽ phân loại các trường đại học chứ không bình quân, dàn trải mà sẽ cơ cấu lại, những trường chất lượng cao thì giữ lại, những trường chất lượng thấp thì phải nâng cao chất lượng, thậm chí xem xét giải thể.

Tự chủ là một trong những "điểm nghẽn" khiến các trường không phát huy được sự chủ động, sáng tạo, nội lực của mình; vì thế tâm điểm của Bộ sẽ thực hiện hiệu quả tự chủ đại học.

Tăng cường kiểm định chất lượng, phân loại các trường đại học ảnh 2 Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Mai Thị Phương Hoa chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Bộ trưởng thông tin thêm, so với thế giới thì chất lượng đại học của Việt Nam đạt thấp. Tới đây, Bộ sẽ tăng cường kiểm định chất lượng, phân loại trường đại học, đồng thời tham mưu Chính phủ đầu tư vào những trường trọng điểm, những ngành xuất sắc.

Liên quan đến vấn đề phân loại trường đại học, nhiều đại biểu đặt câu hỏi: Đối với các trường đại học hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt có nhiều khoa, ngành trong nhiều năm không chiêu sinh được đủ số lượng sinh viên để giảng dạy, Bộ trưởng sẽ giải quyết như thế nào?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua rà soát, Bộ đã bước đầu phân loại được các trường không đạt chuẩn, chất lượng kém. Các trường này phải có lộ trình nâng cao chất lượng, nếu không nâng cao được phải có phương án sáp nhập hay chia tách, không để tình trạng nợ chuẩn chất lượng. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một số thông tư, trong đó có thông tư về siết chặt đào tạo tiến sĩ.

Đào tạo gắn với nhu cầu, thị trường lao động

Nêu thực trạng ngày càng nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam chọn nước ngoài du học trong khi trong nước có nhiều trường tốt, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải pháp thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đây là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, không chỉ về kinh tế mà còn là vấn đề văn hóa, đạo đức. Đây cũng là xu hướng ở các nước đang phát triển khi nhiều gia đình gửi con em mình đến các nước phát triển để nhận những điều kiện giáo dục tốt hơn.

Bộ trưởng khẳng định: Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến giáo dục, coi là quốc sách hàng đầu và đã dành 20% ngân sách để đầu tư; cùng với đó còn có sự tham gia đóng góp của xã hội, doanh nghiệp rất lớn.

Theo thống kê, hàng năm, số học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập, nghiên cứu ở dạng học bổng, không học bổng rất lớn với số chi vào khoảng 3-4 tỷ USD. Bộ đã tham mưu Chính phủ có chính sách khuyến khích xã hội hóa, hiện nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào giáo dục theo chuẩn quốc tế.

Bộ trưởng chỉ rõ ngân sách nhà nước tập trung cho giáo dục phổ cập, vùng khó khăn; còn giáo dục chất lượng cao thì nhà nước vẫn có trách nhiệm, nhưng rất trông đợi vào đầu tư của tư nhân với chương trình học tiên tiến, kiểm định chất lượng dạy, học ngay từ đầu.

Theo Bộ trưởng, giải pháp này sẽ tăng đóng góp của khu vực tư nhân trong giáo dục chất lượng cao, giảm áp lực cho nhà nước.

Tăng cường kiểm định chất lượng, phân loại các trường đại học ảnh 3 Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Đào Tố Hoa chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) nêu thực trạng 200.000 sinh viên thất nghiệp gây bức xúc trong xã hội và lãng phí nguồn lực, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết giải pháp của ngành trong thời gian tới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định để giải quyết căn cơ tình trạng thất nghiệp phải nâng cao chất lượng đào tạo của các trường. Theo đó, chất lượng phải được chuẩn kiểm định quốc tế và thị trường, phải có sự phối hợp giữa đào tạo với thị trường lao động.

Bộ trưởng cho biết mới đây, Bộ đã ban hành quy chế cho một số ngành như công nghệ thông tin và du lịch, đào tạo gắn liền với thị trường lao động. Qua đó, mở rộng và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; từng trường đại học phải chủ động nghiên cứu thị trường trước khi mở các chương trình đào tạo. Các trường phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình trước yêu cầu của thị trường lao động và trước người học; “tránh tình trạng khi tuyển sinh thì hứa hẹn rất nhiều, nhưng khi học xong thì không có trách nhiệm gì.”

Về phía Bộ, sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát “mặc dù trường tự chủ tuyển sinh, nhưng không có nghĩa muốn mở ngành nào thì mở mà phải gắn với thị trường và đảm bảo chất lượng,” Bộ trưởng khẳng định và cho biết sẽ công khai, minh bạch kết quả kiểm tra, sắp xếp lại các trường tuyển sinh cũng như đào tạo chất lượng không tốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục