Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 5/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã trả lời, làm rõ thêm một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Chú trọng dành quỹ đất cho giao thông
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định trong năm qua, công tác quản lý đất đai tại các đô thị và các khu vực phát triển kinh tế, ven biển đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần từng bước lập lại trật tự trong quản lý sử dụng đất đai, phát huy được nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, việc quản lý đất đai ở một số nơi còn nhiều hạn chế, bất cập như: Công tác quy hoạch, xây dựng chưa quan tâm đến các không gian công cộng cho người dân trong khi có quá nhiều dự án phát triển nhà ở, các công trình nghỉ dưỡng, khách sạn.
Tình trạng giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển đô thị chưa căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị dẫn đến nhiều dự án không được triển khai thực hiện, gây lãng phí.
Tình trạng sử dụng đất sai mục đích, xây dựng không phép, trái phép vẫn chưa được khắc phục, đặc biệt là việc lấn chiếm không gian công cộng, bãi biển, bờ sông…
Tình hình mua bán đất và xây dựng trái phép đang diễn ra phức tạp ở Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn. Đặc biệt, tình trạng xác định giá trị quyền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích trong các dự án đầu tư phát triển đô thị không sát với giá thị trường đã làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, xảy ra chủ yếu trong các dự án nhà ở, dịch vụ, các dự án đầu tư bằng hình thức BT, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước…
Để chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần tiếp tục thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, đô thị, chú trọng dành quỹ đất cho giao thông (gồm cả giao thông tĩnh như bến xe, điểm đỗ… và giao thông động), các không gian công cộng, dịch vụ đô thị, không gian công cộng bãi biển cho người dân…
Đồng thời, cần công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch, phát triển các khu đô thị, dịch vụ cho người dân biết để tham gia đầu tư, quản lý và giám sát; minh bạch, cạnh tranh trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất tại các dự án phát triển đô thị nhà ở, dịch vụ, thực hiện đấu giá đất.
Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần kiểm tra chặt chẽ công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất đầu tư xây dựng phát triển đô thị, phát triển du lịch, xây dựng các công trình nhà ở, dịch vụ theo đúng quy hoạch, kế hoạch được duyệt; rà soát, thu hồi các dự án đã giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục tiêu dự án nhưng không có khả năng thực hiện.
Đối với tình trạng mua bán đất trái phép đang diễn ra phức tạp tại Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn…, Phó Thủ tướng cho rằng cần kịp thời ngăn chặn nhằm bảo đảm trật tự xã hội.
Trước những biểu hiện diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, không theo quy luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhấn mạnh biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn của nhân loại, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng để đưa Nghị quyết 120/NQ-CP vào cuộc sống, cần tập trung thực hiện đồng bộ, thực chất, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp.
Bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đã được phân bổ trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và các nguồn vốn khác đã được Quốc hội thông qua cho các địa phương để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đầu tư phát triển kinh tế, cần xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội, các nguồn lực quốc tế cho đầu tư vào phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề quan trọng, không thể đáp ứng được nếu chỉ sử dụng nguồn lực trong nước.
Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, liên ngành và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch toàn vùng làm cơ sở đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu cũng rất cần thiết; cần thực hiện song song với hoạt động cân đối nguồn lực theo từng giai đoạn phù hợp với điều kiện của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
[Các thành phố phải chịu trách nhiệm về ô nhiễm nguồn thải]
Thẳng thắn, cụ thể, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, 59 đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi, 17 đại biểu tham gia tranh luận; còn 24 đại biểu đặt câu hỏi nhưng chưa được trả lời, Bộ trưởng sẽ trả lời bằng văn bản.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, tranh luận thẳng thắn theo đúng tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội.
Đây là lần thứ hai Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những mặt còn hạn chế, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong thời gian tới.
Khẳng định đất đai và môi trường là những vấn đề liên quan chặt chẽ, mật thiết tới đời sống nhân dân, gắn với sự phát triển bền vững của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó, tập trung vào một số vấn đề rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai trên phạm vi cả nước, nhất là quỹ đất dùng cho mục đích công cộng ở các thành phố lớn; có biện pháp quản lý để hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai gây tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách hành chính trong quản lý đất đai, khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử; nghiên cứu đổi mới các phương pháp định giá đất phù hợp với thực tiễn; tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, các tranh chấp, khiếu kiện đông người, kéo dài liên quan đến đất đai.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, các đơn vị chức năng cần quan tâm tới công tác đánh giá tác động môi trường, triển khai thực hiện các chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường, nhất là tại các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; quy hoạch, xây dựng mô hình mẫu về xử lý rác thải, hướng dẫn người dân làm tốt công tác phân loại rác.
Đồng thời, các bộ, ngành cần theo dõi chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp, các khu công nghiệp lớn, khu công nghiệp ven sông, ven biển có nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường; đánh giá hoạt động của các cụm công nghiệp ở các địa phương; giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát chất thải, nước thải ở các địa phương, nhất là các cụm khu công nghiệp, các làng nghề, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng về môi trường; quản lý chặt chẽ tài nguyên nước theo Luật Tài nguyên nước.
Nhằm giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan liên quan làm tốt việc kiểm tra khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường trong nhập khẩu, triển khai các dự án; quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu, không nhập khẩu chất thải; đánh giá, phân loại nhà đầu tư, không triển khai các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, chú trọng thanh tra đột xuất các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm; sớm xây dựng quy định giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền.”
Đối với công tác quản lý tài chính, ngân sách và các nguồn lực khác cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần sử dụng một cách hiệu quả; đánh giá kịp thời việc sử dụng các nguồn vốn trong và ngoài nước cho ứng phó với biến đổi khí hậu; ưu tiên bố trí, sử dụng hiệu quả kinh phí triển khai thực hiện những dự án cấp thiết, đặc biệt là các dự án chống sạt lở bờ biển, bờ sông để tránh ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tính mạng, đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, vai trò, vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương về biến đổi khí hậu cũng cần được nâng cao thông qua việc chủ động hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế nhằm giải quyết tốt các vấn đề do biến đổi khí hậu đặt ra./.