Người Việt Nam ở nước ngoài luôn được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia vào quá trình hoạch định, thực thi, đánh giá chính sách pháp luật. Trong thời gian tới, các cơ quan Nhà nước sẽ ngày càng chú trọng vào việc chia sẻ thông tin, lấy ý kiến người Việt Nam ở nước ngoài khi xây dựng pháp luật, chính sách.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Tăng cường truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài" do Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) phối hợp với Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức ngày 15/11 tại Hà Nội.
Tăng cường lấy ý kiến kiều bào khi xây dựng chính sách
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng trên 5,3 triệu người sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trên tinh thần "người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam,” Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành đang triển khai công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hương tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài làm việc, đầu tư, sản xuất, kinh doanh… Trong bối cảnh đó, công tác truyền thông về dự thảo chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng trở nên quan trọng.
Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng: “Các cơ quan chủ trì soạn thảo cần xây dựng kế hoạch và tổ chức truyền thông tập trung vào các chính sách pháp luật liên quan thiết thực đến người Việt Nam ở nước ngoài như: Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; xuất cảnh, nhập cảnh; pháp luật về đất đai, xây dựng, nhà ở; chính sách về bảo hộ của Nhà nước Việt Nam đối với công dân Việt Nam tại nước ngoài…”
Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích, ưu đãi, thu hút đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực thu hút chuyên gia, trí thức, kiều bào; lĩnh vực đầu tư, kinh doanh; các điều ước quốc tế liên quan… cũng là những nội dung cần tập trung tuyên truyền.
[TTXVN khai trương chuyên trang thông tin chinhsachcuocsong.vn]
Đại diện Vụ Pháp chế-Thanh tra, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đánh giá quá trình tuyên truyền chính sách, pháp luật cho kiều bào đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ triển khai có hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật liên quan.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền, phổ biến về dự thảo các chính sách pháp luật chủ yếu vẫn còn tập trung vào cộng đồng bà con biết tiếng Việt. Đây là một rào cản khi tiếp cận chính sách do không phải cá nhân nào cũng biết tiếng Việt.
Hiện nay, đội ngũ tuyên truyền viên tham gia phổ biến dự thảo chính sách, pháp luật luật đa số là cán bộ kiêm nhiệm nên kỹ năng truyên truyền còn hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông kỹ thuật số, các phương tiện truyền thông đại chúng trong công tác tuyên truyền cũng còn chưa sâu rộng, hiệu quả.
Theo đại diện Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay banner phát động tham gia ý kiến đóng góp vào xây dựng chính sách, pháp luật đang được đăng tải trên 2 trang thông tin điện tử của ủy ban là www.quehuongonline và www.scov.gov.vn. Hai trang này sẽ dẫn link trực tiếp đến các trang thông tin gốc (trang thông tin đăng tải dự thảo chính sách, pháp luật của cơ quan chủ trì) để kiều bào đóng góp ý kiến trực tiếp với cơ quan chủ trì.
Ba bên phối hợp tuyên truyền
Với vai trò là cơ quan truyền thông đối ngoại chủ lực quốc gia, bà Cao Thị Mai Phượng, Tổng biên tập Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum (Thông tấn xã Việt Nam) cho biết hiện nay Thông tấn xã Việt Nam có 63 cơ quan thường trú trong nước và 30 cơ quan thường trú tại 28 quốc gia trên thế giới. Trong số đó, có 8 đơn vị thực hiện chức năng thông tin đối ngoại với nhiều loại hình thông tin như báo in, báo điện tử, báo ảnh... sử dụng 11 ngữ khác nhau.
Thông tấn xã Việt Nam cũng đang hợp tác với hơn 40 cơ quan báo chí, hãng thông tấn đối tác trên thế giới đồng thời cung cấp trực tiếp đến công chúng trong nước và quốc tế. Đây là thế mạnh và ưu điểm vượt trội để thực hiện công tác truyền thông chính sách cho người Việt Nam ở nước ngoài trên khắp nơi trên thế giới.
Theo bà Cao Thị Mai Phượng đánh giá truyền thông dự thảo chính sách cho người Việt Nam ở nước ngoài có những đặc thù về đối tượng, địa bàn, ngôn ngữ… do đó cần lựa chọn loại hình thông tin phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn, tăng cường các hình thức trao đổi, thảo luận để tăng tính tương tác tạo thuận lợi cho việc thu hút ý kiến đóng góp cho người Việt Nam ở nước ngoài đối với các dự thảo chính sách. Trong thời gian tới, Thông tấn xã Việt Nam sẽ chú trọng sản xuất các sản phẩm thông tin đa phương tiện theo xu hướng báo chí mới, hiện đại trên nền tảng công nghệ số.
Ông Phan Hồng Nguyên cho rằng để tăng cường truyền thông về dự thảo chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài sẽ cần sự tham gia của 3 bên: Cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách pháp luật, cơ quan quản lý về thông tin đối ngoại và báo chí.
“Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, tích cực từ phía các cơ quan thông tin, truyền thông với các cơ quan chủ trì quản thảo văn bản, cơ quan ngoại giao sẽ giúp truyền thông chính sách đảm bảo thông tin đa chiều, khách quan, chính xác và đầy đủ. Có như vậy mới nâng cao chất lượng của văn bản pháp luật, cũng như thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài,” ông Phan Hồng Nguyên nói./.