Tăng cường phối hợp truyền thông phòng chống ma túy, mại dâm

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam cần tăng thời lượng, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm.
Tăng cường phối hợp truyền thông phòng chống ma túy, mại dâm ảnh 1Tang vật một vụ buôn ma túy bị phát hiện. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về thực hiện Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020” trong năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.

Xét báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về kết quả thực hiện Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020” trong năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các bộ, cơ quan truyền thông trong công tác tuyên truyền, phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm.

Tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình hình buôn bán, sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng tăng nhanh, kinh phí và hình thức, nội dung tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

[Nghệ An: Bắt 4 đối tượng, thu giữ hơn 600 kg ma túy đá]

Để tăng cường thực hiện Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020,” Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Y tế tăng cường phối hợp, kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông; quan tâm chỉ đạo, ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác tuyên truyền phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam cần tăng thời lượng, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, xây dựng chương trình, tin bài theo chỉ tiêu của Đề án; ưu tiên kinh phí thực hiện các sản phẩm truyền thông có hiệu quả, phát sóng vào các khung giờ có nhiều người theo dõi; chú trọng tuyên truyền về tác hại của các chất gây nghiện, chất hướng thần mới và giáo dục kỹ năng phòng ngừa ma túy trong giới trẻ.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam trong triển khai Đề án “Truyền thông về phòng, chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng” để lồng ghép có hiệu quả các nội dung và tiết kiệm kinh phí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục