Chiều 17/10 (giờ địa phương), Hội nghị Đối tác và Hợp tác địa phương Việt Nam-Italy, do Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Italy phối hợp với các đối tác Italy và Việt Nam, trong đó có vai trò phối hợp quan trọng của Quỹ Italy-Việt Nam, lần đầu tiên đã được tổ chức tại thành phố Bologna, miền Bắc Italy.
Tham dự hội nghị có gần 200 người, trong đó có lãnh đạo, đại diện các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp Italy đến từ các vùng Emilia-Rogmana, Lombardia, Piemonte, Liguria, Toscana, Marche, Puglia, Campania và Calabria, còn phía Việt Nam từ các địa phương Kon Tum, Hà Nam, Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là sự kiện hợp tác quy mô lớn, có nhiều địa phương hai nước tham dự nhất, đánh dấu bước phát triển quan trọng, mở ra không gian hợp tác mới, đáp ứng nhu cầu kết nối hợp tác tăng lên nhanh chóng giữa các địa phương Việt Nam và Italy.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng nhấn mạnh rằng Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó có chủ thể là 63 tỉnh thành của Việt Nam. Trong khi đó, Italy có 20 vùng với chính sách tăng cường quốc tế hóa, mở rộng thị trường mới. Do đó, hai bên đang đứng trước các tiềm năng hợp tác to lớn cần được khai thác.
Theo Đại sứ Dương Hải Hưng, hội nghị này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo ra sân chơi mới, giúp các địa phương hai nước gặp gỡ, trao đổi, kết nối, khởi động các hoạt động hợp tác và thiết lập quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp, thực phẩm, đồ uống, công nghiệp, máy móc... phù hợp với nhu cầu và lợi ích hai bên.
Thay mặt cho vùng Emilia-Romagna, nơi tổ chức hội nghị lần này, ông Alessio Mammi, Ủy viên Hội đồng vùng phụ trách về nông nghiệp và nông nghiệp-thực phẩm, đánh giá hội nghị có thể mở ra những cơ hội hợp tác mới của vùng với các địa phương của Việt Nam.
Ông Mammi giới thiệu vùng Emilia-Romagna là một trung tâm nông nghiệp thực phẩm lớn của Italy với sản phẩm có chất lượng, phản ánh văn hóa bản sắc Italy, đồng thời đang dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi nông nghiệp-thực phẩm, trong bối cảnh tác động của sự nóng lên toàn cầu và Biến đổi Khí hậu đã liên tục gây ra các trận lũ lụt khủng khiếp tại vùng này trong năm 2023 và năm nay.
Bất chấp những khó khăn do biến đổi khí hậu và bối cảnh địa chính trị toàn cầu, sản xuất nông nghiệp và thực phẩm hằng năm ở Emilia-Romagna có giá trị sản xuất khoảng 24 tỷ euro và xuất khẩu đạt 9,7 tỷ euro, tương ứng với 15,7% kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp của Italy.
Trong khuôn khổ 2 phiên hội thảo chuyên đề tại hội nghị về các lĩnh vực nông nghiệp-thực phẩm-đồ uống, cùng công nghiệp-chế tạo-máy móc-năng lượng tái tạo, những người tham dự đã được đại diện các địa phương, của cả Việt Nam và Italy, giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội hợp tác, các thông tin, chính sách, ưu đãi, đặc biệt là các tập đoàn, doanh nghiệp có thể trao đổi các đề xuất hợp tác cụ thể.
Các diễn giả Việt Nam, gồm Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Kon Tum A Pớt; ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An; ông Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Nam; ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đồng Trung, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao Việt Nam; bà Phạm Thị Ngọc Thúy, Giám đốc, Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, đều khẳng định rằng Hội nghị Đối tác và Hợp tác địa phương Việt Nam-Italy lần này là cơ hội để các địa phương hai nước có cơ hội giao lưu, tăng cường hợp tác, đồng thời để tôn vinh và quảng bá vẻ đẹp, tiềm năng của các địa phương Việt Nam đến với bạn bè và đối tác Italy.
Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An, cho biết rằng với mục tiêu tăng cường hơn nữa việc kêu gọi các doanh nghiệp Italy đến với tỉnh, đặc biệt là trong một số lĩnh vực thế mạnh của Italy như sản xuất công nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực máy móc sản xuất công nghiệp về nông nghiệp, chế biến hải sản thủy sản, chế biến hoa quả tươi cũng như là một số dự án bảo tồn du lịch, hợp tác trong phát triển công nghiệp sạch, Nghệ An đã tham gia Hội nghị Đối tác và Hợp tác địa phương Việt Nam-Italy.
Ông Bùi Đình Long cho biết hiện nay tỉnh Nghệ An đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, để đón các nhà đầu tư nói chung, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ các nước châu Âu như Pháp và Italy. Tỉnh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, nhân lực, cơ chế, thể chế cũng như hỗ trợ doanh nghiệp để đón tiếp được nhiều doanh nghiệp nhất.
Còn ông Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Nam, bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa tỉnh và các địa phương của Italy ngày càng được sâu sắc và bền chặt hơn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản.
Các địa phương Việt Nam bày tỏ mong muốn học hỏi kinh nghiệm và tăng cường hợp tác sâu rộng hơn nữa với các địa phương và doanh nghiệp Italy, đồng thời mong muốn các bạn bè, đối tác Italy sẽ tiếp tục quan tâm và có chương trình hành động cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên cả về kinh tế, thương mại cũng như trong các lĩnh vực hợp tác khác như nông nghiệp, công nghiệp, cơ khí, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Trong khi đó, gần 20 diễn giả Italy đã giới thiệu về những cơ hội to lớn mà sự hợp tác giữa các địa phương của Italy và Việt Nam có thể mang lại. Nhiều địa phương Italy đang đi đầu trong nhiều ngành công nghiệp, sản xuất, trong đó có những công nghệ xanh. Trong khi kinh tế Việt Nam và Italy, ngoài những điểm tương đồng, còn có tính bổ sung cho nhau Italy mang đến Việt Nam sự đổi mới và sản xuất xuất sắc, trong khi Việt Nam cung cấp các nguồn lực và sản phẩm quan trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp của Italy.
Các diễn giả Italy đều bày tỏ mong muốn có các sáng kiến hợp tác trong tương lai, với những chuyến thăm trao đổi được tổ chức sẽ giúp củng cố và chính thức hóa các mối quan hệ hợp tác đổi mới.
Ông Napoleone Cera, Ủy viên Hội đồng vùng Puglia, cho biết Chủ tịch Vùng Michele Emiliano đặc biệt quan tâm việc phát triển quan hệ với Việt Nam do hai bên có nhiều điểm tương đồng. Vùng Puglia có những thế mạnh như kinh tế biển xanh, thiết bị, máy móc chế biến chất lượng cao, sản xuất nông nghiệp bền vững. Vùng Puglia sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam về kinh nghiệm và công nghệ canh tác chống chịu hạn, cũng như quảng bá du lịch.
Theo ông Cera, vùng Puglia có rất nhiều điểm tương đồng với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như về nông nghiệp hay phát triển năng lượng tái tạo.
Bà Francesca Alicata, đại diện Tổ chức tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp Italy ở nước ngoài (Simest), cho biết Simest mới khai trương trụ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh với mong muốn có thể hỗ trợ 100% cho các doanh nghiệp Italy muốn hoạt động ở Việt Nam.
Về phần mình, đại diện Tập đoàn Unitec, ông Paolo Pasini cho biết Unitec chuyên sản xuất các máy móc, dụng cụ phục vụ việc phân loại kích cỡ, chất lượng của sản phẩm rau củ quả. Với năng lực cung cấp công nghệ hiện đại, tập đoàn nhận thấy những cơ hội hợp tác tuyệt vời trong việc đáp ứng nhu cầu tương ứng của các đối tác doanh nghiệp và nhà sản xuất của Việt Nam.
Sự hiện diện của đông đảo các lãnh đạo, đại diện các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp của nhiều địa phương hai nước tại hội nghị này là minh chứng rõ ràng về nhu cầu và nguyện vọng hợp tác của hai bên.
Hội nghị kết nối địa phương này cũng là kết quả của các hoạt động trao đổi đoàn địa phương hai nước, nhất là các chuyến thăm của cán bộ và nhân viên Đại sứ quán Việt Nam đến hầu khắp các địa phương Italy trong khuôn khổ “Năm Việt Nam-Italy 2023” và “Cầu nối Việt Nam với các địa phương phía Nam Italy” trong 6 tháng đầu năm 2024./.
Việt Nam và các "ông lớn" càphê Italy chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn kết nối
Diễn đàn kết nối công nghiệp càphê Việt Nam-Italy là sự kiện kinh tế quy mô, quan trọng, lần đầu tiên được tổ chức nhằm kết nối hợp tác và thiết lập quan hệ đối tác giữa hai "cường quốc" càphê.