Tăng cường sự gắn bó, tin cậy và quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Thái Lan

Phát biểu tại Đại học Chulalongkorn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường sự gắn bó, tin cậy và quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Thái Lan.

Sinh viên Đại học Chulalongkorn đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Sinh viên Đại học Chulalongkorn đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 8/12, tại Thủ đô Bangkok, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thái Lan, Chủ tịch Quốc hội, Giáo sư, Tiến sỹ Vương Đình Huệ đã tới thăm và có bài phát biểu quan trọng tại Đại học Chulalongkorn.

Đây là một trong những trường đại học danh tiếng và lâu đời nhất tại Thái Lan, có bề dày truyền thống hơn 100 năm, nơi “ươm mầm” cho rất nhiều thế hệ tài năng của Thái Lan và nhiều quốc gia trên thế giới.

Cùng dự sự kiện có Phó Chủ tịch thứ nhất Hạ viện Thái Lan Padipat Suntiphada, các thành viên Đoàn Đại biểu Cấp cao Quốc hội Việt Nam; Hiệu trưởng Đại học Chulalongkorn, Bundhit Eua-Aporn cùng khoảng 300 đại biểu là các học giả, chuyên gia, sinh viên và các cơ quan thông tấn truyền thông của Thái Lan.

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Việt Nam và Thái Lan là hai nước láng giềng gắn bó lâu đời. Những điểm tương đồng mà hai nước sẻ chia, cùng khát vọng chung về hòa bình, độc lập, tự cường là chất keo tự nhiên gắn kết hai dân tộc, là nền tảng bền vững cho mối quan hệ hai nước không ngừng phát triển.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cộng đồng quốc tế đang đứng trước thời khắc quan trọng, liên quan đến vấn đề sống còn đối với vận mệnh của cả nhân loại: đó là chiến tranh và hòa bình.

Vòng xoáy xung đột và bạo lực leo thang ở nhiều khu vực trên thế giới vẫn gây ra nhiều đau thương, cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người dân vô tội.

Nguy cơ xung đột ngày càng lớn khi cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, sự trỗi dậy của chủ nghĩa cường quyền, dân tộc vị kỷ, đang đe dọa luật pháp quốc tế và xói mòn tính hiệu quả của các thể chế đa phương, thúc đẩy chạy đua vũ trang ở nhiều nơi trên thế giới.

“Chính vì thế, giữ vững hòa bình, đẩy lùi và ngăn ngừa chiến tranh, xung đột trở thành đòi hỏi cấp bách. Hòa bình, ổn định là nền tảng cho phát triển bền vững.”

Khẳng định Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng, tương lai của đất nước Việt Nam gắn liền với hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và toàn thế giới, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng để có nền hòa bình lâu dài và bền vững, tất cả các nước, trong đó có Việt Nam và Thái Lan, các nước thành viên ASEAN, đều có trách nhiệm đóng góp vào việc thúc đẩy đối thoại, hợp tác; tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực.

Đây là vấn đề sống còn của ngày hôm nay đồng thời là trách nhiệm của chúng ta với các thế hệ mai sau.

ttxvn-vuong-dinh-hue-thai-lan-2-6601.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đánh giá cao vai trò, đóng góp của Thái Lan trong quá trình hình thành và phát triển của ASEAN, Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong bối cảnh mới, xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết, gắn kết và tự cường, có vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, có quan hệ tốt với các đối tác ngoài khu vực, là một định hướng ưu tiên của quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Thái Lan.

Về quan hệ Việt Nam-Thái Lan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa sự gắn bó, tin cậy và quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Thái Lan.

Phát huy những thành tựu hợp tác to lớn của gần 50 năm qua, đã đến lúc hai nước cùng nỗ lực hướng tới nâng cấp quan hệ trong thời gian tới.

Để phát triển sâu sắc và toàn diện hơn nữa nội hàm quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội nêu 5 đề xuất:

Một là, tăng cường tin cậy chính trị và hợp tác an ninh, quốc phòng. Cần thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả trên tất cả các kênh: Đảng, Nhà nước, Nghị viện và giữa người dân với người dân. Phát huy hiệu quả các cơ chế, thỏa thuận hợp tác hiện có, đặc biệt là họp Nội các chung; thiết lập các cơ chế hợp tác mới trên cơ sở phát huy các thế mạnh, lợi thế của cả hai nước, tăng cường tính bổ trợ lẫn nhau.

Hai là, hai nước đứng trước cơ hội to lớn đưa hợp tác kinh tế Việt Nam-Thái Lan sang giai đoạn phát triển mới, với tầm mức mới và tư duy mới, trong đó, hai nước chúng ta đoàn kết hơn, gắn bó hơn và sáng tạo hơn với phương châm “tin cậy, trách nhiệm, chân thành, hợp tác cùng thắng cùng có lợi và cùng tiến.”

Một mặt, cần tiếp tục hợp tác, hỗ trợ và bổ sung cho nhau, khắc phục những điểm bất lợi, tăng cường năng lực, sức mạnh mỗi nước; đồng thời phát huy các thế mạnh tương đồng, tạo nên sức mạnh cộng hưởng, tạo nên những giá trị và thương hiệu mạnh, nâng cao vị thế của hai nước trên thương trường thế giới, đem lại lợi ích thiết thực cho các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân của cả hai nước.

Ba là, tăng cường gắn kết kinh tế sâu rộng và triển khai hiệu quả Chiến lược “Ba kết nối.” Tranh thủ, tận dụng hiệu quả xu hướng chuyển dịch của các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu để tăng cường kết nối của các chuỗi cung ứng; làm mới các chuỗi cung ứng hiện có, hợp tác hình thành các chuỗi cung ứng mới có tính chiến lược và giá trị gia tăng cao trong những lĩnh vực hai bên có tiềm năng, trong đó có nông nghiệp, hướng tới trở thành nhân tố quan trọng bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 25 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn; mở rộng đầu tư giữa hai nước. Đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế trên cơ sở “cùng có lợi, cùng thắng,” nhất là kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các địa phương hai nước.

Phối hợp triển khai hiệu quả Chiến lược Tăng trưởng Xanh đến năm 2030 của Việt Nam và Mô hình Kinh tế Sinh học-Tuần hoàn-Xanh của Thái Lan nhằm tạo động lực mới cho tăng trưởng và đóng góp thiết thực vào các vấn đề cấp bách của thời đại.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác du lịch, văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân. Phát huy giá trị các khu di tích Bác Hồ tại Thái Lan như những biểu tượng của quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Tăng cường kết nối du lịch theo khuôn khổ “hai quốc gia, một điểm đến” nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh du lịch của cả hai nước.

Phát huy hiệu quả và mở rộng các lĩnh vực hợp tác của 19 cặp tỉnh, thành phố kết nghĩa giữa hai nước, đồng thời thúc đẩy hình thành các cặp địa phương kết nghĩa mới.

Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy tiếng Thái và tiếng Việt và thành lập các trung tâm ngôn ngữ, giáo dục tại mỗi nước. Phát huy vai trò tích cực của cộng đồng người Việt tại Thái Lan trong vun đắp tình đoàn kết, gắn kết giữa nhân dân hai nước.

Năm là, đề cao chủ nghĩa đa phương và đoàn kết quốc tế, tăng cường phối hợp chặt chẽ trong các khuôn khổ hợp tác đa phương.

Để hiện thực hóa các định hướng nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ Quốc hội Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác toàn diện, hiệu quả với Nghị viện Thái Lan, phát huy vai trò vừa là kênh đối ngoại mang tính Nhà nước, vừa mang tính Nhân dân sâu sắc, góp phần đưa quan hệ Việt Nam-Thái Lan ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các khuôn khổ hợp tác đa phương, như Liên minh Nghị viện Thế giới, Liên minh Nghị viện ASEAN, cùng nhau vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết với nhân dân các nước ASEAN và nhân dân trên toàn thế giới.

Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai quốc hội, trong đó trọng tâm là Thỏa thuận Hợp tác giữa Nghị viện hai nước vừa được ký kết nhân dịp chuyến thăm này; tiếp tục đồng hành cùng chính phủ hai nước trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo xung lực mới cho quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Thái Lan.

ttxvn-vuong-dinh-hue-thai-lan-3-3630.jpg
Đại biểu nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thuyết trình. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quan hệ Việt Nam-Thái Lan đang ở vào thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử quan hệ hai nước.

Quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn kết bền chặt, hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam và Thái Lan đã vượt qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày càng đơm hoa kết trái, vì tương lai an bình, hạnh phúc và thịnh vượng của nhân dân hai nước, vì một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Ngay sau phát biểu chính sách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành thời gian trao đổi với các chuyên gia, học giả và sinh viên về triển vọng quan hệ Việt Nam-Thái Lan, trong đó có việc nâng cấp quan hệ hai nước; vai trò của Việt Nam và Thái Lan trong ASEAN và trong hợp tác tiểu vùng.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định với những thành tựu đã đạt được và với vai trò của cả hai nước trong ASEAN, trong một thế giới nhiều biến động như hiện nay, quan hệ Việt Nam-Thái Lan đã chín muồi để hướng đến việc nâng cấp trong thời gian tới.

“Tương lai, tầm nhìn chúng ta đã có. Quan trọng nhất là sự quyết tâm của chính phủ hai nước và nhân dân hai nước”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục