Tăng cường trao quyền cho thanh niên để phục hồi sau đại dịch COVID-19

Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm nghị sỹ trẻ Việt Nam khẳng định việc thúc đẩy trao quyền cho thanh niên và sự tham gia của giới trẻ vào hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật là rất quan trọng.
Tăng cường trao quyền cho thanh niên để phục hồi sau đại dịch COVID-19 ảnh 1Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại, Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam Đinh Công Sỹ. (Nguồn: Quochoi.vn)

Tối 28/4, từ điểm cầu Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến toàn cầu Nghị sỹ trẻ Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 7.

Hội nghị có chủ đề “Phục hồi sau COVID-19: Cách tiếp cận thích ứng của thanh niên” diễn ra trong hai ngày 28 và 29/4.

Dự hội nghị có Tổng Thư ký IPU Martin Chungong và khoảng 200 đại biểu của các nghị sỹ trẻ là thành viên của IPU.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Diễn đàn Nghị sỹ trẻ IPU Cynthia Iliana López Castro nêu rõ những cú sốc về sức khỏe và kinh tế-xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra đã ảnh hưởng đáng kể đến thanh niên trên toàn thế giới. Thế giới cần có một chương mới để trao quyền cho thanh niên và phải là trọng tâm của các nỗ lực phục hồi sau đại dịch.

Hội nghị toàn cầu Nghị sỹ trẻ IPU năm 2021 sẽ tập trung vào các chủ đề: bảo tồn và thực hiện các quyền cơ bản của thanh niên, tăng cường trao quyền cho thanh niên thông qua các nỗ lực phục hồi liên quan tới đại dịch; khám phá cách tốt nhất để thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong việc định hình sự phục hồi sau đại dịch; đưa ra những chỉ dẫn về củng cố hệ thống giáo dục, tối đa hóa việc làm cho thanh niên và điều chỉnh các dịch vụ y tế ở mọi nơi.

Nhằm xây dựng sự đoàn kết và hỗ trợ giữa các thế hệ, đồng thời huy động các nghị sỹ ở mọi lứa tuổi trao quyền cho thanh niên, Hội nghị toàn cầu nghị sỹ trẻ IPU lần thứ 7 dành cho cả nghị sỹ trẻ và nghị sỹ lớn tuổi, giàu kinh nghiệm trong hoạt động nghị trường.

Tổng Thư ký IPU Martin Chungong cho biết hội nghị lần này có sự góp mặt của các nghị sỹ liên thế hệ, cho thấy những người ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng vẫn có thể ngồi cùng để thảo luận một vấn đề.

Hội nghị chính là cơ hội để IPU cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, mà lần này là thể hiện nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19 để cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Theo Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, một điều quan trọng và đáng lo ngại, cần có phương hướng giải quyết là các quốc gia đã đầu tư rất nhiều nguồn lực cho giáo dục nhưng đến nay, nhiều nơi phải chuyển sang đào tạo trực tuyến do tác động của dịch COVID-19.

Thời gian qua, người già trên toàn thế giới bị tác động mạnh hơn bởi dịch bệnh nhưng không có nghĩa là người trẻ không bị ảnh hưởng. Đã có rất nhiều trẻ em, người lớn không thể ra ngoài, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm và học tập. Hội nghị lần này sẽ định hình những nội dung thảo luận trong khuôn khổ IPU, phục hồi những chính sách mang tính chiến lược để thúc đẩy, bảo vệ lợi ích của thanh niên...

Hội nghị gồm 4 phiên thảo luận, trong đó, phiên thảo luận thứ nhất có chủ đề "Điều kiện tiên quyết để thanh niên tham gia vào các nỗ lực phục hồi sau đại dịch."

Trong phiên thảo luận này, các đại biểu trao đổi, chia sẻ về cách thức để cùng nhau tránh khủng hoảng y tế-kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra; cách thức để tăng cường tỷ lệ nghị sỹ trẻ trong cơ quan lập pháp; những biện pháp cần thiết nhằm tạo dựng và duy trì quan hệ chặt chẽ giữa các thế hệ nghị sỹ trong nghị viện; cách thức các nhóm nghị sỹ trẻ thúc đẩy sự trao quyền cho thanh niên...

Chủ đề của phiên thảo luận thứ hai là “Hỗ trợ giáo dục bậc cao và giáo dục đại học: Ưu tiên hàng đầu của chương trình phục hồi sau đại dịch." Trong phiên thảo luận này, các đại biểu trao đổi về những bài học kinh nghiệm rút ra trong đại dịch liên quan đến giáo dục; cách thức nhằm giúp hệ thống giáo dục, nhất là bậc trung học, cao đẳng, đại học thích ứng với tình hình đại dịch để không học viên nào bị bỏ lại phía sau; các giải pháp giúp giảm thiểu những rủi ro của phương thức học trực tuyến cũng như tận dụng tối đa lợi thế của phương thức học tập-giảng dạy này; vai trò của các nghị sỹ trong bảo đảm giáo dục được ưu tiên trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch…

[Các đại biểu Quốc hội trẻ tích cực tham gia xây dựng pháp luật]

Chủ đề của phiên thảo luận thứ ba là “Thế hệ trẻ mạnh khỏe sau đại dịch." Trong phiên thảo luận này, các đại biểu trao đổi về tác động của đại dịch COVID-19 lên sức khỏe của thanh niên; giải pháp nhằm bảo đảm rằng các kế hoạch đối phó với đại dịch COVID-19 đáp ứng nhu cầu về y tế của thanh niên, vai trò của nghị sỹ nhằm bảo vệ, tăng cường các chính sách chăm sóc sức khỏe cho thanh niên trong và sau đại dịch.

Phiên thảo luận thứ tư có chủ đề “Trao quyền về kinh tế: Biến thách thức thành cơ hội." Trong phiên thảo luận này, các đại biểu trao đổi về những chính sách được các nước ban hành nhằm thúc đẩy việc làm cho thanh niên trong bối cảnh suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra; thúc đẩy phục hồi thị trường lao động sau đại dịch; ngân sách dành cho đầu tư vào các hoạt động kinh tế, các khu vực tiềm năng cho việc tuyển dụng lao động trẻ; những việc mà các nghị viện và nghị sỹ có thể làm trong thẩm quyền nhằm bảo đảm thanh niên được tiếp cận các gói an sinh xã hội, tín dụng, bảo hiểm và hỗ trợ tài chính khác.

Tại hội nghị, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại, Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam Đinh Công Sỹ nhấn mạnh Việt Nam rất coi trọng thúc đẩy sự phát triển của thanh niên. Việt Nam đã thông qua Luật Thanh niên 2020 quy định quyền, trách nhiệm của thanh niên; chính sách của Nhà nước về thanh niên, quản lý nhà nước về thanh niên.

Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm nghị sỹ trẻ Việt Nam cũng cho biết mỗi nhiệm kỳ đều có thêm nhiều đại biểu trẻ được bầu vào Quốc hội. Quốc hội Việt Nam luôn khuyến khích các đại biểu trẻ tuổi tham gia công việc của Quốc hội. Dấu mốc nổi bật là việc thành lập Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ vào năm 2011. Nhóm hiện nay có 131 đại biểu dưới 45 tuổi, chiếm 26% tổng số đại biểu Quốc hội Khóa XIV. Mục tiêu hoạt động của nhóm là kết nối các đại biểu trẻ tuổi, tăng cường sự tham gia và đóng góp của các đại biểu trẻ vào chương trình nghị sự của Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội trẻ đã tham gia tích cực vào xây dựng pháp luật, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; lắng nghe và phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của giới trẻ đến Quốc hội; phân tích, đánh giá tác động của các chính sách, pháp luật đối với thanh niên… Nhiều ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội trẻ đã được tiếp thu vào luật, chính sách của Nhà nước.

Từ hoạt động thực tiễn của Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực nhóm khẳng định việc thúc đẩy trao quyền cho thanh niên và sự tham gia của giới trẻ vào hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật cũng như đào tạo thanh niên trở thành những người lãnh đạo giỏi là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam cũng tham gia tích cực vào các tổ chức, diễn đàn nghị viện trẻ khu vực và quốc tế. Đáng chú ý, trong vai trò Chủ tịch Năm Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) 2020, Quốc hội Việt Nam đã đề xuất sáng kiến tổ chức Hội nghị nghị sỹ trẻ đầu tiên của AIPA trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA-41 và được các nghị viện thành viên AIPA nhất trí ủng hộ. Đây là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của AIPA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục