Ngày 6/10 tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) tổ chức tọa đàm “Vai trò cầu nối của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và hỗ trợ hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam."
Sự kiện thu hút mối quan tâm và sự tham gia đông đảo của các tổ chức thành viên, các chuyên gia tài chính ngân hàng cũng như đại diện nhiều ngân hàng thương mại.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Vietcombank kiêm Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp hội với vai trò là đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên, cũng như làm cầu nối giữa các hội viên với các bộ, ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức xã hội khác. Hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã góp phần vào sự ổn định, phát triển lành mạnh, hiệu quả và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, qua đó góp phần thực thi chính sách tiền tệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.
Tiến sỹ Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Mỗi động thái trong hoạt động của ngành ngân hàng nói chung và của Hiệp hội Ngân hàng nói riêng đều có tác động ít, nhiều tới tâm lý và tình hình hoạt động của ngành ngân hàng, của doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư.
Do vậy, để giải quyết hài hòa, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ-tín dụng-ngân hàng, vừa góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức hội viên hoạt động an toàn, hiệu quả và tránh các “cú sốc” về tâm lý, dư luận xã hội ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng, đòi hỏi Hiệp hội Ngân hàng cần sự thận trọng, nghiêm túc và cân nhắc trong mọi lĩnh vực hoạt động.
Tuy nhiên, theo tiến sỹ Trần Thị Hồng Hạnh, hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế như chưa chủ động khai thác được tiềm năng, thế mạnh của các tổ chức hội viên để đóng góp vào sự phát triển của hiệp hội; công tác nghiên cứu khoa học còn yếu, chưa xây dựng được khung năng lực theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước; vấn đề khó khăn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các tổ chức hội viên và công tác tuyên truyền tới các hội viên cũng như chuyển tải thông tin của các hội viên tới các cơ quan quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế.
Để tăng cường hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng và làm tốt vai trò cầu nối, ông Lê Đắc Cù, nguyên Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, gợi ý Hiệp hội Ngân hàng cần duy trì và xây dựng quan hệ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tham mưu của Ngân hàng Nhà nước, của Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý khác để chủ động tham gia vào các dự thảo, văn bản pháp quy có liên quan tới hoạt động của các tổ chức hội viên.
Cùng với việc tăng cường việc phổ cập, hướng dẫn các chính sách, quy định của Nhà nước tới các hội viên nhằm đạt được sự thống nhất trong hoạt động của toàn hệ thống, vừa đảm bảo hiệu quả trong kinh doanh, vừa giúp các tổ chức hội viên chấp hành nghiêm các chính sách của Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng cũng cần thường xuyên phối hợp tổ chức các chương trình tọa đàm, nâng cao nghiệp vụ về diễn biến thị trường về việc triển khai các quy chế mới phức tạp./.