Tăng cường hoạt động đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam là nội dung chính của buổi làm việc giữa Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam diễn ra ngày 23/7 tại Hà Nội.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, cho biết trong hơn 10 năm qua, Hội đã thay mặt hơn 3 triệu nạn nhân tiến hành cuộc đấu tranh đòi chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ phải thực hiện trách nhiệm về hậu quả họ gây ra trong chiến tranh ở Việt Nam.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh, cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân trong nước, thế giới và đặc biệt là nhân dân Mỹ cũng như các nước có quân đội tham gia trong chiến tranh ở Việt Nam; làm cho Chính phủ Mỹ chấp nhận cùng với Chính phủ Việt Nam giải quyết hậu quả chất độc da cam về môi trường và con người.
Chính phủ và Quốc hội Mỹ đã quyết định chi ngân sách khoảng 84 triệu USD để giải quyết tồn dư chất độc hóa học ở Việt Nam. Hàng năm, Mỹ viện trợ nhân đạo cho người khuyết tật Việt Nam, nạn nhân chất độc da cam 5 triệu USD để khám chữa bệnh và đầu tư cho y tế… Những thành công bước đầu đó cũng có sự đóng góp không nhỏ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh mong rằng Liên hiệp tiếp tục phát huy vai trò làm cầu nối, tăng cường quan hệ giữa Hội Nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam và các tổ chức quốc tế quan tâm tới hoạt động nhân đạo, từ thiện này; đồng thời vận động Hội hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-Mỹ có tiếng nói, hỗ trợ Việt Nam trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân; kết nối nạn nhân ba nước Việt Nam-Hàn Quốc-Mỹ trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng cam kết sẽ tích cực phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.
Về cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam, ông Vũ Xuân Hồng mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp tổ chức vận động xây dựng một cơ chế để hoạt động ý nghĩa này được lâu dài, bền vững và có sức lan tỏa, góp phần tích cực trong việc vận động các nước thực hiện viện trợ phát triển, các hoạt động an sinh xã hội ở khu vực có đông nạn nhân chất độc da cam/dioxin, cũng như ở Việt Nam.
Từ nay đến cuối năm, hai bên phối hợp tổ chức hội nghị quốc tế chia sẻ thông tin về chất độc da cam với đại diện các tổ chức quốc tế có mặt tại Việt Nam…/.