Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2016 tới đây như sau: Vùng 1 là 3,5 triệu đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015). vùng 2 là 3,1 triệu đồng/tháng, (tăng 350.000 đồng ), vùng 3 là 2,7 triệu đồng/tháng (tăng 300.000 đồng), vùng 4 là 2,4 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng ). Mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 250.000-400.000 đồng/tháng, tăng trung bình khoảng 12,4%
[Lương tối thiểu vùng tăng cao nhất 400.000 đồng từ đầu năm 2016]
Đây là tỷ lệ đồng thuận mà Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ông Phạm Minh Huân cho rằng cao nhất từ trước tới nay. Thế nhưng, dường như câu chuyện tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 ở mức nào là hợp lý vẫn chưa dừng lại.
Chưa đầy một tháng sau khi Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng là 12,4%, vào ngày 3/9, nhiều hiệp hội ngành hàng đã lên tiếng cho rằng mức tăng lương tối thiểu như vậy là quá cao và đề xuất lương tối thiểu chỉ dừng ở mức tăng khoảng 6-7% là hợp lý.
[Tăng lương tối thiểu vùng năm 2016: Vì sao vẫn cò kè thêm bớt?]
Phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gửi Hội đồng tiền lương Quốc gia có mức tăng từ 16-17% so với năm 2015, tăng từ 350.000 - 550.000 đồng/mức.
Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất tăng lương chỉ khoảng 7%. Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đưa ra 3 phương án điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 12,4%, 11,4% và 10,7%.
[Tăng lương tối thiểu vùng 2016: Bế tắc vì con số "vênh" nhau quá lớn]
Theo các doanh nghiệp, việc tăng lương tối thiểu hàng năm đã tạo ra sức ép không nhỏ cho doanh nghiệp. Vì vậy, mức tăng lương hàng năm cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Năm 2016, Hội đồng tiền lương quốc gia phải tính toán kỹ hơn vì doanh nghiệp cũng sẽ phải đóng thêm các chi phí liên quan tới lao động nữ, chính sách về an toàn vệ sinh lao động… Ngoài ra, việc đóng bảo hiểm xã hội sẽ tăng lên để dần tiến tới đóng bảo hiểm xã hội theo tổng thu nhập vào năm 2018. Tất cả những chi phí này doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu.
[Tăng lương tối thiểu vùng năm 2016: "Sẽ khó có sự đột biến"]