Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015 (Chương trình Tây Nguyên III) được Nhà nước giao cho Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam chủ trì phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Liên hiệp Hội Việt Nam đã bắt đầu triển khai từ năm 2011.
Với tinh thần tiếp nối Chương trình Tây Nguyên I (1976-1980), Tây Nguyên II (1984-1988), Chương trình Tây Nguyên cũng đã có nhiều đề tài khoa học, công nghệ góp phần phục vụ tốt yêu cầu phát triển Tây Nguyên bền vững.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Chương trình Tây Nguyên III đã chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ khoa học thực hiện 3 phương châm: “Bám sát mục tiêu,” “Bám sát thực tiễn” và “Nâng cao tính tổng hợp liên ngành, liên vùng” trong các kết quả nghiên cứu.
Đến nay, Chương trình Tây Nguyên III đã tuyển chọn hơn 60 nhiệm vụ khoa học cấp thiết đáp ứng mục tiêu Chương trình, trong đó có hơn 30 nhiệm vụ nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh thiên tai (chiếm 49%), 10 nhiệm vụ khoa học công nghệ (chiếm gần 16%) và hơn 20 nhiệm vụ khoa học xã hội nhân văn (chiếm 36%).
Các cơ quan chủ trì là các viện, trường đại học, cơ sở nghiên cứu của 10 bộ, ngành Trung ương và địa phương, với trên 2.630 nhà khoa học. Kết quả, hàng ngàn mẫu vật đất, nước, khoáng sản, sinh vật… đã được thu thập, phân tích, định dạng trên cơ sở các phươmg pháp nghiên cứu mới, hiện đại phục vụ phát triển công nghệ thích hợp và xây dựng bảo tàng thiên nhiên ở Tây Nguyên.
Cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các nhiệm vụ khoa học công nghệ đã hoàn thành giai đoạn sản xuất thử nghiệm “pilot” trên thực tế ở Tây Nguyên có kết quả tốt như bò sữa cao sản, phân urê nhả chậm, chế phẩm vi sinh vật, lơn rừng Tây Nguyên, chất giữ ẩm.
Đặc biệt, nhiệm vụ nghiên cứu quy trình sản xuất sắt xốp và vật liệu xây dựng không nung từ bùn đỏ sản xuất Alumin ở Tây Nguyên đã thành công thử nghiệm mẻ 10 tấn và chuẩn bị cho mẻ 200 tấn, với quy mô sản xuất công nghiệp hoàn thành theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đăng ký sở hữu trí tuệ và ký kết chuyển giao cho Công ty Thép Thái Hưng để xúc tiến xây dựng nhà máy.
Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cũng đã thành công trong việc đưa vệ tinh VN REDSAT 1 vào vũ trụ cho độ phân giải ảnh cao, đồng thời đã chế tạo, thử nghiệm máy bay không người lái chụp ảnh tài nguyên thiên nhiên, môi trường cho kết quả tốt.
Chương trình cũng đang kết nối tích hợp với hệ phương pháp Viễn thám (GIS) giám sát mặt đất nhằm quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường Tây Nguyên. Để phát triển một số dịch vụ đa phương tiện trên nền mạng viễn thông Wimax và giám sát các thông số môi trường sản xuất, trạm viễn thông Wimax đã lắp đạt và thử nghiệm thành công tại thành phố Buôn Ma Thuột.
Chương trình Tây Nguyên III cũng điều tra hiện trạng và những giá trị cốt lõi của tài nguyên rừng Tây Nguyên bằng phương pháp hiện đại, đã phát hiện nhiều loài mới có giá trị dược liệu. Chỉ mới riêng tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, trên ô định vị nghiên cứu diễn thế rừng nhiệt đới, Chương trình đã phát hiện trên 10.000 loài (trước đây chỉ ước tính có 600 loài), trong đó có nhiều loài quý hiếm mang giá trị toàn cầu.
Các nhiệm vụ tài nguyên nước, đất trình Tây Nguyên III đã xác định được các dạng, các điểm xung đột lợi ích về nước, phát hiện bảy dạng thoái hoá đất, ba dạng hoang mạc hoá đất trên Tây Nguyên.
Trên cơ sở thực tiễn và kịch bản Biến đổi khí hậu, Chương trình cũng đã xây dựng được kịch bản hạn hán ở Tây Nguyên, đồng thời, cảnh báo lũ lụt, lũ quét cũng như tình trạng hoang mạc hóa ngày càng lan rộng, với các giải pháp cảnh báo, ứng phó, phục hồi.
Các lĩnh vực địa chất, khoáng sản cũng đã phát hiện nhiều loại quặng quý, có giá trị kinh tế cao. Chương trình cũng đã phát hiện chín chu kỳ lũ lịch sử trên Tây Nguyên thông qua nghiên cứu trầm tích sông bằng các phương pháp hiện đại. Đặc biệt, chú trọng xây dựng các mô hình cảnh báo các dạng tai biến địa chất ở các vùng đập, hồ chứa.
Một loạt các số liệu đo GPS và các bản đò kiến tạo đã được thành lập nhằm làm sáng tỏ đặc điểm địa động lực hiện đại khu vực Tây Nguyên cũng như ảnh hưởng của chúng tới các hồ, đập nước.
Các nhiệm vụ tổng hợp cũng đã đánh giá định hướng nguồn lực tự nhiên, các biến động xác lập các mô hình kinh tế sinh thái bền vững cho một số vùng địa lý trọng điểm. Các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển các loại cây công nghiệp, cây lương thực ở Tây Nguyên đã đi vào chiều sâu phân tích hiện trạng, nhu cầu cho phát triển bền vững.
Các nhiệm vụ khoa học xã hội nhân văn cũng đã được triển khai nghiên cứu, thu nhiều dữ liệu mới và quý trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội… nhằm đóng góp cho một số vấn đề thiết thực tại các vùng Tây Nguyên….
Năm nay, Chương trình Tây Nguyên III cũng tiếp tục mở mới một số nhiệm vụ cấp thiết, đồng thời tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu cụ thể, sát thực tế nhằm nâng cao hiệu quả tổng hợp góp phần phục vụ tốt yêu cầu phát triển Tây Nguyên bền vững./.