Tăng ni, Phật tử người Việt tại Lào cầu nguyện cho quốc thái dân an

Ngay từ sáng sớm, buổi lễ tất niên ở Chùa Phật Tích Lào đã thu hút hàng trăm Phật tử người Việt Nam đang làm ăn sinh sống tại Lào, cùng gia đình và con cháu tới chùa dự lễ dâng hương.
Tăng ni, Phật tử người Việt tại Lào cầu nguyện cho quốc thái dân an ảnh 1Các Phật tử dự buổi lễ. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sáng 4/2, Chùa Phật Tích Lào đã tổ chức lễ tất niên tiễn đưa năm Đinh Dậu, chào đón Năm mới Mậu Tuất.

Đây là hoạt động tín ngưỡng thường niên có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với cộng đồng người Việt ở thủ đô Vientiane nói riêng và tại Lào nói chung. Bởi lẽ, đây không chỉ là cơ hội để họ thắp nén nhang bày tỏ tấm lòng thành kính, tưởng nhớ và tỏ lòng tri ân, báo hiếu tới chư vị hương linh đã khuất, mà còn là dịp để bà con gặp gỡ, giao lưu, bày tỏ tình đoàn kết.

Nét đặc biệt năm nay là nhà chùa lập đàn cúng cơm và cầu siêu bạt độ cho các vong linh ký gửi tại chùa. Do vậy, ngay từ sáng sớm, buổi lễ đã thu hút hàng trăm Phật tử người Việt Nam đang làm ăn sinh sống tại Lào, cùng gia đình và con cháu tới chùa dự lễ dâng hương, cùng cầu nguyện cho quốc thái dân an và cầu siêu độ cho các vong linh sớm được siêu sinh về cõi cực lạc.

Các Phật tử được nghe Đại đức Thích Minh Quang, Trụ trì Chùa Phật Tích Lào, thuyết giảng cặn kẽ về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Tất niên, về sự đặc biệt của mâm cơm tất niên... nhất là trong việc gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, điều hết sức quan trọng đối với những người Việt xa xứ.

Kết thúc phần lễ, tăng ni và các Phật tử cùng nhau thụ bữa cơm chay, cùng nhau chia sẻ kết quả làm việc, cũng như những vui buồn trong cuộc sống trong năm qua; ôn lại những kỷ niệm về quê hương đất nước và cùng hướng về quê hương đất nước.

[Cộng đồng người Việt tại Lào đón Xuân Mậu Tuất ấm tình quê hương]

Được xây dựng vào năm 1957, Chùa Phật Tích là một trong hai ngôi chùa lớn nhất tại thủ đô Vientiane. Từ lâu, chùa luôn là một trong những ngôi nhà tâm linh, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cho bà con kiều bào sống ở thủ đô Vientiane và các khu vực lân cận.

Chùa cũng là nơi quy tụ cộng đồng người Việt đang làm ăn sinh sống tại Lào, cùng đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống và hướng về Tổ quốc.

Hiện nay, ngoài kinh sách tiếng Việt, nhà chùa đã in kinh sách Bắc Tông sang chữ Lào để tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu tín ngưỡng của bà con Việt kiều tại Lào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục