Tăng thị phần hàng Việt có thế mạnh tại các kênh phân phối

Gần 229 tỷ đồng dự kiến cho Đề án phát triển thị trường trong nước là một trong những phương án khả thi giúp tăng thị phần hàng Việt Nam.
Tăng thị phần hàng Việt có thế mạnh tại các kênh phân phối ảnh 1Đưa hàng Việt về nông thôn. (Nguồn: TTXVN)

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được coi là giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển thị trường trong nước bền vững. Tuy nhiên, việc thực hiện cuộc vận động đang gặp nhiều thách thức do tiêu thụ sản phẩm giảm sút, lượng hàng tồn kho nhiều.

Do đó, con số gần 229 tỷ đồng dự kiến cho Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được coi là một trong những phương án khả thi giúp tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% vào năm 2020.


"Lỗi" hệ thống phân phối?

Số liệu mới nhất của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho thấy kể từ khi Cuộc vận động được triển khai từ năm 2009 đến nay, hàng Việt đã đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường và dần chiếm ưu thế trong lòng người Việt. Đã có 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Tại nhiều hệ thống siêu thị lớn, hàng hóa sản xuất trong nước đã chiếm tỷ trọng lớn, từ 80-90%.

Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Công Thương, các chương trình phủ sóng hàng Việt còn thiếu tính bền vững, chưa tạo lập được kênh phân phối vững chắc tại địa bàn nông thôn, khu vực. Ngoài ra, việc quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp hiện nay còn yếu khiến tính cạnh tranh của một số loại hàng Việt còn thấp.

Hàng Việt có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hiện chỉ được bày bán chủ yếu tại các hệ thống bán buôn, bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại - vốn là nơi được kiểm soát chặt chẽ các quy định về chất lượng và xuất xứ hàng hóa.

Trong khi đó, tại các vùng nông thôn, thị trường tiêu dùng tiềm năng, số lượng các siêu thị chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nên hàng hóa được phân phối chủ yếu ở mạng lưới chợ. Đa phần sản phẩm hàng Việt được phân phối tại đây chủ yếu là hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, còn các nhóm sản phẩm như may mặc, đồ điện tử, gia dụng..., tỷ lệ hàng Việt khá thấp.

Siêu thị Intimex với hơn 90% là hàng Việt nhưng theo đại diện của doanh nghiệp này thì khâu yếu trong nghiên cứu thị trường để sản xuất sản phẩm phù hợp với người Việt Nam và cách thức tổ chức trong phân phối sản phẩm ra thị trường chính là những nút thắt khiến cho hàng Việt dù có chất lượng tốt cũng khó đến được tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc cạnh tranh với hàng ngoại cùng tâm lý “sính ngoại” của người dân vẫn đang là bài toán muôn thuở của các doanh nghiệp. Mặc dù có đến gần 90% lượng hàng Việt, trong đó có gần 70% là hàng thực phẩm và thực phẩm chế biến được phân phối trong hệ thống siêu thị Fivimart của Công ty cổ phần Nhất Nam, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khiếm khuyết để các sản phẩm mang thương hiệu Việt có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết hàng thuần Việt hiện nay rất khó cạnh tranh với hàng hóa của các công ty đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam cũng như hàng nhập ngoại. Nếu nhà phân phối ưu tiên bán hàng của các tập đoàn đa quốc gia thì hàng thuần Việt không còn có chỗ đứng, thậm chí “cứ đi vào siêu thị rồi lại bị quăng ra.”

Chính bởi nguyên do này mà không ít doanh nghiệp trong nước đang không ngừng đổi mới công nghệ, kỹ thuật để cho ra đời nhiều sản phẩm có chất lượng và hàm lượng sáng tạo cao. Theo các chuyên gia kinh tế, quan điểm trước đây của nhiều doanh nghiệp là hàng tốt thì xuất khẩu, hàng bình thường, thậm chí là kém chất lượng thì bán trong nước... đã thay đổi. Nhiều doanh nghiệp đã xác định được vị trí, tầm quan trọng của thị trường nội địa, từ đó có chiến lược bài bản về phân phối, tiếp thị, quảng cáo và nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm.

Thêm dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết để hàng Việt “thấm sâu” vào tâm trí người tiêu dùng Việt Nam, Đề án Phát triển thị trường trong nước đã đề ra nhóm giải pháp thay đổi về nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với hàng Việt Nam thông qua việc tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tuyên truyền về Cuộc vận động, gắn kết với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam.”

Dự kiến đến năm 2020, trên 70% biết đến nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ngành và tổ chức chính trị-xã hội xây dựng được kênh truyền thông có chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam.” Đề án này cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% và 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai trên địa bàn chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương đều tổ chức dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam...

Theo bà Lê Việt Nga, thực hiện mục tiêu này, các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề, cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các chương trình vinh danh và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam”; xây dựng các chương trình khuyến khích ưu tiên sử dụng hàng Việt đối với tiêu dùng cá nhân; tuyên truyền phổ biến đến doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia “Ngày hàng Việt,” “Tuần hàng Việt,” “Tháng hàng Việt” trên địa bàn cả nước.

Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ với tư cách là Cơ quan thường trực Tổ điều hành thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương tổ chức tốt công tác thông tin, dự báo thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đánh giá sát tình hình và đề xuất lên Chính phủ các biện pháp can thiệp kịp thời, giúp ổn định thị trường.

Thứ trưởng cũng đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về chủ trương của Cuộc vận động; thường xuyên duy trì các chuyên trang, chuyên mục về Cuộc vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng; hướng dẫn lồng ghép nội dung Cuộc vận động trong các hội nghị, các cuộc sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện Cuộc vận động tại các bộ, ngành và địa phương trên cả nước.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, năm 2014 và những năm tiếp theo, bên cạnh việc chú trọng tuyên truyền, vận động nâng cao hơn nữa nhận thức của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, các nhà phân phối thì các nhà sản xuất Việt Nam cũng phải nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm so với hàng ngoại nhập cùng loại. Bởi lẽ, tuyên truyền tốt đến mấy mà chất lượng sản phẩm kém thì không thuyết phục được người tiêu dùng.

Ngoài ra, ngành công thương tiếp tục triển khai sâu rộng, mạnh mẽ hơn với các chương trình cụ thể hơn vào đội ngũ sinh viên, học sinh, lớp trẻ và những công đoàn viên ngành công thương đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa chương trình, phát triển mô hình kết nối nhà sản xuất-doanh nghiệp phân phối-người tiêu dùng nhằm tạo lập được chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục