Tăng trần thuế suất nhập khẩu với các mặt hàng xăng, dầu

Bộ Tài chính ngày 4/12 vừa công bố mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi tối đa với các mặt hàng xăng, dầu theo hướng tăng từ 10-15%.
Tăng trần thuế suất nhập khẩu với các mặt hàng xăng, dầu ảnh 1Ảnh minh hoạ. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Tài chính vừa công bố mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi tối đa với các mặt hàng xăng, dầu theo hướng tăng từ 10-15%.

Cụ thể, theo văn bản số 17728/BTC-CST vừa được Bộ Tài chính cho biết chiều 4/12, mức thuế nhập khẩu tối đa với mặt hàng xăng, dầu sẽ ở ngưỡng cao nhất là 40%. Đây là mức trần khi giá nhiên liệu công bố của hãng tin Platt trên thị trường Singapore bình quân 15 ngày trước ngày điều chỉnh thuế ở mức dưới 60 USD/thùng.

Như vậy, mức thuế tối đa mới này cao hơn ngưỡng trước đó khoảng 10-15%. Theo quy định tại biểu thuế từ năm 2010, với giá từ 45-60 USD/thùng ở thị trường Singapore, mức thuế tối đa với xăng, dầu hoả chỉ là 30% và với dầu diesel và madut là 25%.

Tương tự, với giá nhiên liệu bình quân ở ngưỡng 60-75 USD/thùng, mức thuế tối đa với xăng, dầu hoả là 35% và với dầu diesel, dầu madut là 30%.

Mức thuế tối đa là 25% (với xăng, dầu hoả) và 20% (với dầu diesel và dầu madut) sẽ được áp dụng với giá nhiên liệu từ 75-95 USD/thùng.

Từ mức giá 95 USD/thùng, mức thuế nhập khẩu tối đa của các loại xăng, dầu sẽ dao động từ 15-20%.

Tăng trần thuế suất nhập khẩu với các mặt hàng xăng, dầu ảnh 2

Theo đại diện ngành tài chính, mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi trên là một trong những căn cứ, cơ sở để Bộ Tài chính xem xét, ban hành thông tư hướng dẫn về mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi cụ thể đối với các mặt hàng xăng dầu.

Ngoài ra, đây cũng là một trong những căn cứ để các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh.

Trước đó, giá dầu thế giới đã giảm mạnh từ 105 USD một thùng vào cuối tháng 7/2014 xuống 68,53 USD vào cuối tháng 11. Đây là mức thấp nhất trong vòng 4 - 5 năm qua.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên phát biểu ngày 1/12 tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 cho hay, tính trung bình mỗi 1 USD giá dầu giảm, ngân sách sẽ hụt 1.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã tính toán các phương án để bù đắp khoản thiếu hụt trên để đảm bảo cân đối ngân sách trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.