Tăng trưởng 2 con số, xuất khẩu vượt 240 tỷ USD dù dịch bệnh phức tạp

Đến hết quý 3/2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước đạt 215,8 tỷ USD, đưa nhập siêu của cả nước lên con số 2,13 tỷ USD.
Tăng trưởng 2 con số, xuất khẩu vượt 240 tỷ USD dù dịch bệnh phức tạp ảnh 1Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng 2 con số sau 9 tháng 2021. (Ảnh: TTXVN)

Mặc dù dịch bệnh phức tạp và nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, song xuất khẩu của cả nước đến hết quý 3/20211 tiếp tục giữ mức tăng trưởng hai con số.

Giữ vững mức tăng trưởng 2 con số

Đại diện Bộ Công Thương cho hay xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 9 ước đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê cho thấy, sau 9 tháng, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Một số mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng cao như: Xuất khẩu sắn tăng tới 67,6% về trị giá và tăng 50,2% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu cao su mặc dù chỉ tăng 17,1% về lượng nhưng tăng tới 52,7% về trị giá xuất khẩu…

Đóng góp chính cho xuất khẩu vẫn đến từ nhóm hàng công nghiệp chế khi chiếm tỷ trọng 86,27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, trong 9 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này ước đạt 207,5 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều mặt hàng trong nhóm này có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là: Sắt thép các loại, ước đạt 8,23 tỷ USD, tăng 125,4% so với cùng kỳ năm trước (tăng 39,3% về lượng); máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 26,25 tỷ USD, tăng 44,5% (tăng 10,9% về lượng); gỗ và sản phẩm gỗ, ước đạt 11,14 tỷ USD, tăng 30,9% mặc dù giảm 35,3% về lượng

[Phương thức mới hỗ trợ xúc tiến trong đại dịch COVID]

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết mặc dù GDP chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song với ngành Công Thương, nhiều chỉ số tăng trưởng đã đóng góp tích cực cho sự phát triển chung.

Đơn cử, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

"Đặt trong bối cảnh chống dịch với các giải pháp nghiêm ngặt song xuất khẩu vẫn đạt được mức tăng trưởng 2 con số cho thấy nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2021 ước đạt 26,5 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này ước đạt 215,8 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 88,94% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 81,2 tỷ USD, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 39,8 tỷ USD, tăng 20,6%....

Như vậy, trong tháng 9, cả nước ước xuất siêu 500 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 2,13 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,66 tỷ USD).

Tận dụng hiệu quả cơ hội nửa cuối năm

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, song theo đại diện Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi nhờ khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA…

Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, nhiều thị trường đã có mức tăng trưởng cao, đóng góp tích cực cho xuất khẩu chung của cả nước.

Đơn cử, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sau 9 tháng đạt 69,8 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 38,5 tỷ USD, tăng 18,3%. Thị trường EU ước đạt 28,8 tỷ USD, tăng 11,5%...

- Cán cân thương mại đến hết quý 3/2021:

Nhờ những động lực trên, Bộ Công Thương dự kiến xuất khẩu năm 2021 tiếp tục đạt mức tăng trưởng trên 10% so với năm 2020 (cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao tăng 4-5%).

Dù vậy, để đạt được các mục tiêu đề ra, ngoài việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung việc đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ.

Mới đây, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 nêu trên, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tăng cường triển khai đa dạng các giải pháp ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin, kỹ thuật số để hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động kết nối giao thương xúc tiến xuất khẩu.

Một trong những hoạt động nổi bật là việc triển khai chuỗi gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam theo mô hình "Triển lãm từ xa" tại các hội chợ triển lãm có quy mô lớn và uy tín tại Trung Quốc.  

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết mô hình "Triển lãm từ xa" là giải pháp phù hợp và hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, duy trì và mở rộng các hoạt động xuất khẩu cũng như tham gia vào các kênh phân phối tại Trung Quốc trong bối cảnh dịch COVID-19.

Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đàm phán để phát triển các thị trường khu vực xa hơn, yêu cầu cao hơn như các thị trường thuộc châu Âu, châu Mỹ, châu Úc.Tăng cường cung cấp thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại đến các thị trường còn dư địa phát triển như các thị trường Đông Âu, Bắc Âu, Mỹ La tinh…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.