Tăng trưởng GDP quý 1 của Việt Nam đạt mức cao nhất trong 10 năm

Tổng sản phẩm trong nước quý 1 ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ năm 2017, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại.
Tăng trưởng GDP quý 1 của Việt Nam đạt mức cao nhất trong 10 năm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 tăng 7,38% so với cùng kỳ năm 2017. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Trưởng tổng cục Thống kê, “đây là mức tăng cao nhất của quý 1 trong 10 năm gần đây. Điều này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong điều hành của Chính phủ, khi ban hành các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018.”

[Phó Thủ tướng: Kinh tế vĩ mô trong nước đầu năm có nhiều khả quan]

Báo cáo Kinh tế - Xã hội của Tổng cục Thống kê chỉ rõ, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,70%, đóng góp 3,39 điểm phần trăm và khu vực dịch vụ tăng 6,70%, đóng góp 2,75 điểm phần trăm.

Lan tỏa vào đà tăng trưởng toàn cầu

Việt Nam đã đạt kết quả tích cực ở quý 1, trong bối cảnh kinh tế thế giới duy trì đà tăng trưởng ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Cụ thể, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu có dấu hiệu khởi sắc song Trung Quốc lại đang giảm dần đà tăng trưởng.

Các báo cáo quốc tế cho thấy, mặc dù hoạt động thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi tích cực nhưng thách thức lớn nhất vẫn còn, đó là xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của các nước lớn. Mà đặc biệt là những thay đổi trong chính sách thương mại và thuế thu nhập doanh nghiệp của Mỹ.

“Đây sẽ là những yếu tố tác động đến kinh tế Việt Nam và các nước trong khu vực,” ông Lâm cảnh báo.

Diễn biến trong nước, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được ở trên, giới chuyên gia vẫn khá thận trọng và chỉ ra một số yếu tố thách thức cho nền kinh tế,  như diễn biễn phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu, thuế nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu của Việt Nam vào Mỹ tăng cao, cùng với đó là những tồn tại của nền kinh tế như năng suất lao động thấp, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao.

“Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả,” ông Lâm nhấn mạnh  “phương châm hành động năm 2018 của Chính phủ đã thực sự hiệu quả, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực.”

Tăng trưởng GDP quý 1 của Việt Nam đạt mức cao nhất trong 10 năm ảnh 2(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn.)

Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm có giá trị cao

Báo cáo cho biết, ngành nông nghiệp có mức tăng 3,76% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng của quý1 giai đoạn 2011-2017, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

“Xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả,” ông Lâm nói.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp cũng đạt mức tăng ấn tượng 10,08% so với cùng kỳ, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Điểm sáng của khu vực tiếp tục được duy trì, khi mà ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ 13,56%. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây và đóng góp đáng kể 2,46 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung với 2,46 điểm phần trăm.

Một dấu ấn khác của ngành công nghiệp được ghi nhận, ngành khai khoáng đã lấy lại đà tăng trưởng dương 0,4% sau hai năm liên tục giảm (từ khai thác than, kim loại và khí đốt).

Sự “ấm lên” trong lĩnh vực bất động sản tác động tích cực tới đà tăng trưởng của ngành xây dựng với 7,46% (song mức này đã thấp hơn so với tốc độ tăng 8,60% của cùng kỳ năm 2016 và 7,60% của cùng kỳ năm 2017).

Cùng xu thế chung, khu vực dịch vực dịch vụ đã diễn ra hết sức sôi động, một số ngành có tỷ trọng lớn và đóng góp đáng kể trong mức tăng trưởng chung, như bán buôn và bán lẻ tăng 7,45%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,60%, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,72%, kinh doanh bất động sản tăng 3,56%.

Về cơ cấu nền kinh tế quý 1, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,34%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,26%; khu vực dịch vụ chiếm 43,77%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,63% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2017: 11,19%; 34,14%; 43,92% và 10,75%)./.

GDP quý 1/2108 tăng 7,38% mức tăng cao nhất của quý 1 trong 10 năm trở lại. (Nguồn: Vnews)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.