Tăng trưởng kinh doanh của 19 nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 11 năm nay đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm qua, chủ yếu do hoạt động xuất khẩu giảm.
Theo ước tính sơ bộ của công ty giám sát dữ liệu IHS Markit, tình trạng giảm xuất khẩu đã lan sang lĩnh vực dịch vụ, trong khi các công ty đều bi quan về triển vọng tăng trưởng trong tương lai.
Nhu cầu của Eurozone suy yếu chủ yếu do bất ổn chính trị gia tăng, các điều kiện tài chính chặt chẽ hơn và giá cả cao hơn.
Trong tháng 11 này, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) đã giảm xuống còn 52,4%, thấp hơn so với mức 53,1% trong tháng trước đó và mức dự báo 53% của giới phân tích. PMI vượt mức 50 đồng nghĩa với nền kinh tế đang tăng trưởng.
[OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019]
Chuyên gia kinh tế hàng đầu của IHS Markit, Chris Williamson cho biết sản xuất tiếp tục là lĩnh vực suy giảm mạnh nhất, một phần do bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng gần như đình trệ của hoạt động xuất khẩu.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới mức giảm này là doanh số bán xe ôtô liên tục giảm ở mức đáng thất vọng.
Số liệu của IHS Markit cũng cho thấy GDP của Eurozone có thể sẽ tăng trưởng yếu 0,3% trong quý 4 này.
Trước đó, ECB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone trong năm nay và năm tới.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới, cũng như những quan ngại về các thị trường mới nổi, ECB dự báo nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 2% trong năm nay và 1,8% trong năm 2019./.